Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Lương, phụ cấp chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cho biết có tình trạng bất cập về cơ cấu giáo viên (dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ); thiếu giáo viên ở nhiều địa phương nhưng không tuyển được, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông; một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo của giáo viên, chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới.
Về vấn đề lương và phụ cấp giáo viên thấp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chế độ tiền lương của giáo viên hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ như viên chức của các ngành, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên đặc thù. Tại thời điểm ban hành Quyết định 244/2005 của Thủ tướng, mức phụ cấp ưu đãi được tính toán trên cơ sở phù hợp với các quy định chung đối với các ngành nghề khác.
“Tuy nhiên, với mức tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên như hiện nay chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới”, Bộ trưởng GD-ĐT nhận định.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học để bảo đảm thu nhập cho đội ngũ giáo viên đến khi chính sách tiền lương mới được ban hành.
Hai bộ tính toán bổ sung biên chế giáo viên
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT triển khai một số giải pháp cơ bản.
Cụ thể, phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phố thông công lập.
Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.
Tong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Bên cạnh đó, bộ kiểm tra, rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương…
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, đưa vào sử dụng, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của ngành từ năm 2019, làm cơ sở để tính toán số liệu thừa thiếu giáo viên của các địa phương trên toàn quốc.
Về định mức giáo viên/lớp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, việc này được tính trên cơ sở định mức lao động kỹ thuật, chế độ làm việc của giáo viên; bảo đảm thực hiện theo cơ cấu các môn học trong chương trình.
Các địa phương chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức quy định nhưng vẫn bảo đảm việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông là do giáo viên phải làm nhiều hơn định mức về chế độ làm việc.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng có quy định định mức giáo viên theo vùng miền để phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông theo quy định (dự kiến ban hành trong năm 2023).
Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các địa phương tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026.
Trên cơ sở đó báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.