Tiếp tục xu thế từ quý 1, dòng vốn ngoại đang dồn dập vào Việt Nam với tần suất và quy mô lớn hơn nhiều.
Thông tin từ CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) cho biết, ngày 16/5 Nghị quyết HĐQT của doanh nghiệp vừa thông qua phương án phát hành 60 triệu cổ phiếu cho MPM Investments, tương đương 30% vốn, trị giá tổng cộng hơn 3 ngàn tỷ đồng.
MPM Investments chính là Mitsui & Co, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Đây là một đối tác của MPC và đã có ý định đầu tư vào MPC từ lâu. Với quyết định đầu tư mới, tập đoàn Nhật nâng sở hữu tại MPC lên trên 35%.
Trong cùng ngày, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Tập đoàn SK (SK Group) của Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) để mua cổ phiếu của Vingroup. SK Group sẽ mua cổ phần phát hành mới của Vingroup và mua lại cổ phần thứ cấp từ công ty con Vincommerce của Vingroup.
Với cú chào bán này, quy mô Tập đoàn Vingroup tiếp tục được mở rộng, vốn điều lệ lên gần 34,3 ngàn tỷ đồng. SK Group trở thành cổ đông lớn tại tập đoàn này với tỷ lệ nắm giữ là 6% vốn điều lệ.
Tập đoàn của các đại gia Việt hút vốn ngoại. |
Trước đó, SK Group của Hàn Quốc được biết đến chính là tập đoàn đã chi 470 triệu USD mua toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang. Masan là một tập đoàn chuyên về thực phẩm và khoáng sản của Việt Nam.
Xu hướng dòng vốn ngoại dồn dập đổ vào Việt Nam đã được dự báo từ trước. Theo VCBS, kỷ lục vốn ngoại tiếp tục khơi thông dòng tiền vào chứng khoán Việt. Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Những chỉ tiêu cho năm 2019 cũng cho thấy một kỳ vọng rất tốt. Cùng với sự ổn định về kinnh tế vĩ mô, đây là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Triển vọng dòng vốn ngoại vào Việt Nam còn sáng sủa hơn khi mà nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận nhiều thuận lợi từ hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA đã có hiệu lực cũng như sắp có hiêu lực như: CPTPP, EVFTA, các hiệp định song phương…
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng góp phần tạo ra cơ hội cho dòng vốn ngoại vào Việt Nam để tránh một kết cục bi thảm tại thị trường Trung Quốc cũng như đón nhận cơ hội xuất khẩu nhiều loại mặt hàng hóa sang các thị trường khác như da giày, thủy sản, dệt may…
Một nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập người dân được cải thiện… cũng khiến các tập đoàn nước ngoài nhắm tới thị trường bất động sản, tiêu dùng, cũng như lĩnh vực dịch vụ: du lịch, logistics, hàng không…
Trong năm 2018, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành thị trường IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á và tiếp tục là điểm đến đầu tư nước ngoài đối với cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn gián tiếp FII. Trên sàn chứng khoán tập trung, khối ngoại mua ròng cổ phiếu thứ cấp trị giá 5,2 ngàn tỷ trong quý 1.
Sự xuất hiện và hoạt động tích cực của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Credit Suisse, Deutsche Bank, Standard Chartered Bank, Mizuho Bank, CitiBank, ABN AMRO Bank, BNP Paribas Bank, Calyon Bank, Shinhan Bank, ANZ... góp phần cho dòng vốn ngoại đổ nhanh vào Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 16/5, thông tin SK Group của Hàn Quốc rót 1 tỷ USD để mua cổ phiếu Vingroup đã giúp nhóm bộ 3 cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail đồng loạt tăng mạnh và là trụ cột chống đỡ cho thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trụ khá vững trước những ảnh hưởng từ thị trường tài chính quốc tế. Nhóm cổ phiếu dệt may tăng giá.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán KIS, tâm lý thị trường thận trọng khi các cổ phiếu lớn phân hóa. Rủi ro điều chỉnh vẫn còn, vì vậy nhà đầu tư không nên mua đuổi giá trong các phiên tới..
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/5, VN-Index tăng 0,5 điểm lên 975,69 điểm; Hnx-Index giảm
0,34 điểm xuống 106,09 điểm và Upcom-Index đứng ở mức 55,47 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng
H. Tú