Chiều 1/11, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022.

Đạt chỉ tiêu tăng trưởng nhưng còn nhiều khó khăn

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2022 của thành phố tăng 4,2% so với cùng kỳ nhưng ước tính giảm 3,1% so với tháng 9/2022. Nhận định về số liệu trên tại cuộc họp kinh tế-xã hội tháng 10/2022, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, IPP giảm phản ánh thị trường hàng xuất khẩu tại thành phố đang gặp khó khăn, đặc biệt đối với ngành dệt may, ngành gỗ. Theo ông Vũ, nguyên nhân đến từ thị trường các nước nhập khẩu bị tác động bởi lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng. 

“Hiện, các doanh nghiệp đang tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Chỉ số hàng dệt may tiêu thụ trong nước 10 tháng đã tăng 41,5%, hàng gỗ tăng 30%. Doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm thị trường để duy trì sản xuất, lo việc làm cho người lao động”, ông Vũ nêu nỗ lực từ phía doanh nghiệp.

Một số ngành hàng đang gặp khó, trong đó có dệt may. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Trong khi đó, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho hay, việc thiết lập kỷ cương trên thị trường tài chính, thị trường BĐS mà Chính phủ đang tiến hành là biện pháp cần thiết nếu xét về trung và dài hạn. Đây là việc rất tốt khi làm lành mạnh hóa cả hai thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, động thái này có tác động không thuận lợi, đặc biệt về tâm lý thị trường, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư.

NHNN đã ra tín hiệu rất rõ, chúng ta cần giải quyết 2 mục tiêu mâu thuẫn, vừa kiểm soát lạm phát, vừa muốn giữ giá trị đồng tiền nhưng vừa thúc đẩy tăng trưởng, giảm lãi suất. Ưu tiên hiện nay là kiểm soát lạm phát, bảo vệ giá trị đồng tiền và nền tảng ổn định cho hệ thống ngân hàng. Từ những lý do trên, ông Lịch dự báo, dòng vốn của nền kinh tế chững, từ đó sẽ không chỉ ảnh hưởng trong năm 2023 mà còn ảnh hưởng tới năm 2024.

Về giải pháp, ông Lịch cho rằng, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM cần được triển khai tích cực hơn nữa, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% đang thực hiện rất chậm. Ngoài ra, thành phố cần chủ động phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính trong theo dõi, xử lý những vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu, đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống NHTM, khai thông dòng vốn cho thị trường tài chính, BĐS. 

“TP.HCM cần chủ động phối hợp chứ không chờ đợi. Đặc biệt là khối tài sản liên quan đến hệ thống trái phiếu, nếu không khai thông thì sẽ gây khó cho thị trường”, ông Lịch nói.

Những tình huống tác động tới kinh tế-xã hội

Cũng tại cuộc họp, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ – thành viên Tổ tư vấn chính sách TP.HCM nhận định, thành phố cần nhìn thẳng, trực diện vào tình hình đang xấu đi đột ngột từ tháng 9/2022 tới nay, bởi một số yếu tố tác động như: việc xử lý sai phạm của các Tập đoàn, ngân hàng có quy mô tài sản lớn; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS. Theo uớc tính, giá trị trái phiếu đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng 150.000 tỷ, áp lực trả nợ lớn cho các doanh nghiệp phát hành.

Ông Vũ kiến nghị TP.HCM cần khôi phục niềm tin của thị trường vào khả năng điều hành, kiểm soát. Trong thẩm quyền của mình, thành phố có thể phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN để minh bạch hơn đối với hoạt động của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn trên địa bàn. UBND TP.HCM với vai trò quản lý có thể cùng thu thập, xác thực các thông tin nhằm loại bỏ tâm lý hoảng loạn thị trường. Có thể lập nhóm trực tiếp liên ngành gồm các đơn vị như: Bộ Tài chính, NHNN, Sở TT-TT để rà soát, xác nhận, truyền thông về các sự việc cho người dân hiểu.

"TP.HCM cần đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phân tích và trình bày dữ liệu cụ thể, toàn diện với cơ quan có thẩm quyền về tình hình tài chính, tiền tệ quốc gia, cán cân thanh toán hiện nay để tính toán thời điểm, cách thức xử lý sai phạm nếu có với các doanh nghiệp có quy mô lớn và rất lớn trên địa bàn", ông Vũ nêu kiến nghị.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp chiều 1/11. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM)

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng 10 tháng đầu năm của thành phố xoay quanh mức 9,97% và khả năng kết thúc năm 2022 sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra đầu năm. Theo như dự báo thì TP.HCM sẽ đạt được tăng trưởng khoảng 9,44%. Tuy nhiên, các đơn vị cần nhìn nhận một số lĩnh vực, ngành đã gặp khó khăn. Đơn cử, ở thời điểm quý I/2022, một số công ty may mặc từ chối đơn hàng nhưng sang cuối quý II, đầu quý III thì lượng đơn hàng sụt giảm nhanh chóng. Bây giờ đến ngành gỗ và một số lĩnh vực khác.

Cũng theo ông Mãi, trong tháng 10/2022 đã xuất hiện một số tình huống, sự việc ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, đánh giá để có biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của vụ việc. Bên cạnh đó, tình huống về cung ứng xăng dầu cũng đang tạo ra tâm lý không yên tâm, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của người dân và hoạt động kinh tế-xã hội.

“Xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao của thế giới bắt đầu ảnh hưởng tới nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của TP.HCM đến thời điểm này là 4,81%, ở mức cao. Điều này cộng với một số ngành sản xuất bị suy giảm, việc làm bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người công nhân”, ông Mãi nói.

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt SCBNgân hàng Nhà nước có quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB như một biện pháp nghiệp vụ theo quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng và hệ thống.