Doanh thu thị trường viễn thông trong năm 2015 ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 46.880 tỷ đồng.

{keywords}

So với thời điểm năm 2009, khi Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện vừa ban hành thì tổng doanh thu viễn thông đã tăng gần 3 lần (116.000 tỷ đồng). Số lượng thuê bao di động trên cả nước đạt 120 triệu, với 35,8 triệu thuê bao 3G, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân.

Những thông tin này vừa được Cục Viễn thông công bố tại Hội nghị Sơ kết Đánh giá 5 năm thi hành hai Luật nói trên sáng nay, 18/3.

Môi trường cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, một trong những tác động nổi bật nhất của Luật Viễn thông đến thực tế thị trường chính là việc thị trường đã trở nên cạnh tranh hơn, tương đối bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều quy định về tỷ lệ vốn hoặc cổ phần tối đa được nắm giữ của các doanh nghiệp trong các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước lớn phải tái cơ cấu, sắp xếp lại (mà tiêu biểu là việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn VNPT, tái cơ cấu VNPT theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, nhà nước cũng áp dụng quy định quản lý bất đối xứng, siết chặt hơn những doanh nghiệp nắm thị phần khống chế, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, không nắm thị phần khống chế để tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường....

Không chỉ làm chủ thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu mở rộng việc đầu tư ra nước ngoài như Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia, với tổng dân số 175 triệu người. VNPT cũng đang triển khai xúc tiến thương mại và đầu tư tại nước ngoài, FPT đã giành được nhiều hợp đồng quan trọng như triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar....

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị.

Cũng đánh giá Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện là 2 văn bản quan trọng nhất và quyết định đến sự phát triển của ngành viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định thị trường đang "phát triển rất mạnh, mọi thành phần kinh tế đều được tham gia thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ một cách bình đằng, không phân biệt đối xử".

Điều này được thể hiện ở việc số lượng doanh nghiệp viễn thông, Internet tăng nhanh tạo ra một "thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, minh bạch", nhiều dịch vụ mới ra đời với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt, khoảng cách số được thu hẹp; tài nguyên tần số vô tuyến điện được triển khai "bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, người dân"....

"Trong những năm qua, dù nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn nhưng ngành viễn thông vẫn thực hiện tốt vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, duy trì tốc độ phát triển cao, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách...", ông nhấn mạnh.

Vẫn còn hành vi thiếu lành mạnh

Nói về những bất cập của thị trường, Ông Nguyễn Đức Trung Trung thừa nhận khâu phát triển hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông còn chưa tốt, các doanh nghiệp chưa chia sẻ hạ tầng với nhau nhiều dẫn đến lãng phí nguồn lực....

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng đồng tình với những tồn tại đã được Cục Viễn thông và Cục Tần số chỉ ra trong Báo cáo sơ kết, như thị trường vẫn còn tồn tại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện các nguy cơ làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của thị trường. Chẳng hạn như nhiều chương trình khuyến mãi của nhà mạng gần đây đã vi phạm quy định, nhiều doanh nghiệp tiến hành khuyến mại nhưng không báo cáo lên Cục viễn thông.... Nhiều khuyến mại "xé rào", vượt quy định. Dù Bộ TT&TT đã nhiều lần nhắc nhở nhà mạng, song một số nơi vẫn cố tình vi phạm. "Các chế tài của chúng ta hiện chưa đủ mạnh nên doanh nghiệp vẫn vi phạm", ông Trung lý giải.

Việc cung cấp dịch vụ qua biên giới cũng làm cho môi trường và hành vi cạnh tranh ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc quản lý thuê bao di động còn bất cập và tình trạng tin nhắn rác tiếp tục diễn biến phức tạp; thiết bị vô tuyến điện không đạt chuẩn có nguy cơ gây can nhiễu ngày càng nhiều...

"Các vấn đề trên đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp viễn thông", Thứ trưởng Hải nêu rõ.

Hội nghị sơ kết sáng nay được kỳ vọng sẽ là dịp để các bên liên quan trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những giải pháp để khắc phục các điểm bất cập, hạn chế trong công tác thực thi luật, từ đó đề xuất các định hướng, chính sách quản lý, thúc đẩy ngành phát triển một cách phù hợp, hiệu quả, thiết thực. Bộ TT&TT sẽ căn cứ kết quả của Hội nghị để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét hoàn thiện pháp luật về Viễn thông và Tần số vô tuyến điện trong thời gian tới.

Trọng Cầm