Tăng 5,1%, mạnh nhất kể từ 2009

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) vừa chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh chưa từng có kể từ năm 2009 với chỉ số Dow Jones tăng kỷ lục gần 1.300 điểm, tương đương mức tang 5,1%, lên trên 26,7 ngàn điểm.

Các chỉ số chứng khoán khác cũng tăng vọt. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 4,6%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 4,5%.

Như vậy, chứng khoán Mỹ đã có phiên hồi phục ấn tượng sau 7 phiên giảm liên tục (mất 11-13%). Giới đầu tư bắt đáy và đánh cược vào những chính sách mới của chính quyền ông Donald Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ kinh tế Mỹ tươi sáng thay vì những lo ngại về một triển vọng u ám.

Trước đó, TTCK Mỹ đã có hơn một tuần giảm giá liên tục với chỉ số Dow Jones ghi nhận 3 phiên giảm quanh ngưỡng 1.000 điểm khiến vốn hóa của toàn thị trường bốc hơn vài ngàn tỷ USD và gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên tăng 5,1%, mạnh nhất kể từ 2009 sau khi chính quyền ông Donald Trump có động thái kích thích kinh tế.

Dịch Covid-19 lan rộng và khiến số lượng người nhiễm và chết tại Mỹ tăng. Nó khiến giới đầu tư lo ngại trụ cột tài chính thế giới bị gián đoạn và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn thế giới, không chỉ riêng Mỹ.

Chứng khoán Mỹ tăng trở lại sau khi có nhiều tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm cắt giảm lãi suất để ứng phó với tác động kinh tế của dịch Covid-19. Hàng loạt các cổ phiếu công nghệ (như Apple), dược phẩm, bán lẻ, tiêu dùng thiết yếu… đều tăng mạnh.

Cổ phiếu Apple tăng tới 9,3%, trong khi cổ phiếu bán lẻ Walmart tăng 7,6%...

Giới đầu tư hiện đang đánh cược vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất. Hôm thứ 6 cuối tuần trước, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng “một cách thích hợp” để hỗ trợ nền kinh tế trước rủi ro do dịch Coronavirus.

Trên CNBC, nhiều dự báo cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Theo tín hiệu thị trường, Fed sẽ có một đợt cắt giảm 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 18/3 tới.

Chứng khoán Mỹ tăng trở lại còn do chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc về một khả năng giảm thêm thuế và đang tiếp tục gây áp lực lên Fed.

{keywords}
Donald Trump tiếp tục chì trích Fed và chủ tịch Jerome Powell.

Trước đó, ngay khi mới lên nắm quyền điều hành nước Mỹ, ông Donald Trump đã có một loạt các quyết định cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp trong nước để khoan sức dân và hút đầu tư nước ngoài về Mỹ. Kết quả là nền kinh tế Mỹ đã có bước tăng trưởng vượt bậc, dòng vốn ồ ạt đổ về Mỹ, thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục 50 năm và chứng khoán ghi nhận vài chục lần lập đỉnh cao lịch sử trong 3 năm qua.

Donald Trump xoay sở, nước Mỹ vẫn còn rủi ro

Không những thế, ông Trump tiếp tục gây sức ép mạnh lên Fed và chủ tịch Jerome Powell để ngân hàng trung ương Mỹ đẩy mạnh giảm lãi suất trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và cạnh tranh hơn Mỹ.

Theo ông Trump, như thường lệ, Jay Powell và Cục dự trữ liên bang Mỹ “hành động chậm”. Đức và các nước khác đang bơm tiền vào nền kinh tế. Còn ngân hàng trung ương các nước khác đang “mạnh tay hơn nhiều”.

Theo ông Trump, với tất cả các lý đo đúng đắn, Mỹ nên để lãi suất ở mức thấp nhất. Và vì Mỹ đã không làm như vậy, nên nước Mỹ đang ở một vị thế kém cạnh tranh nhất. Nước Mỹ phải là người đi đầu, không phải người theo sau. Đây cũng là lời chì trích mà ông Donald Trump dành cho chủ tịch Fed Jerome Powell.

TTCK Mỹ tăng còn do thế giới đang đẩy mạnh hợp tác để chống lại nguy cơ suy giảm tăng trưởng đến từ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Bộ trưởng tài chính các nước G7 kêu gọi có buổi thảo luận vào ngày 3/3 về Coronavirus.

{keywords}
Hàn Quốc đẩy mạnh chống dịch Covid-19.

Sau nhiều phiên giảm giá, dầu cũng đang tăng trở lại do các NĐT kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn và các ngân ngân hàng trung ương sẽ đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm hơn 20% bất chấp việc OPEC và các nước đồng minh, bao gồm cả Nga, tiến hành cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày theo một thỏa thuận có hiệu lực đến hết tháng 3/2020.

Như vậy, nhìn chung giới đầu tư đã có sự lạc quan hơn đối với nền kinh tế thế giới.

Dù vậy, lo lắng chưa phải đã hết. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài vẫn ở quanh đáy lịch sử. Nó cho thấy, dòng tiền vẫn ẩn nấp ở những kênh an toàn, thay vì đổ nhiều vào chứng khoán cũng như các loại tài sản có độ rủi ro cao hơn.

Nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng vẫn còn hiện hữu với số người nhiễm gia tăng nhanh tại Hàn Quốc, Ý, Iran, Nhật và cả Mỹ. Tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đã vượt con số 90 ngàn người và hơn 3 ngàn ca tử vong.

Sau 2 tháng, tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tiến triển tốt. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh của Trung Quốc như hoãn mở cửa nhà máy, phong tỏa hàng chục thành phố… khiến nước này thiệt hại lớn về kinh tế.

{keywords}
Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn trong 2020.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 2 của Trung Quốc tụt giảm xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử, còn 35,7 điểm, so với mức 50 điểm trong tháng 1. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế thu hẹp.

Các NĐT lo ngại các nước khác cũng sẽ áp dụng những biện pháp cực đoan như tại Vũ Hán để ngăn chặn virus corona. Một nỗi lo lớn nhất của các NĐT chính là thị trường tài chính Mỹ. Nếu dịch bệnh lan rộng và nước Mỹ rơi vào tình trạng tương tự như Trung Quốc, thì hệ thống tài chính thế giới có thể sẽ đứt mạch. Đây sẽ là thảm họa cho nền kinh tế thế giới.

Nhưng đó là trường hợp xấu nhất. Còn hiện tại kỳ vọng vào nước Mỹ khá lớn. Nền kinh tế Mỹ vẫn sáng sủa bậc nhất thế giới. Fed dường như chắc chắn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và chứng khoán Mỹ lại đón nhận một cú huých mới.

M. Hà