Các bước đi trong hoạt động đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ mới đang được dư luận quan sát, phân tích rất kỹ lưỡng, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung.
Sau những lùm xùm xung quanh cuộc điện đàm cuối tuần giữa ông và lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh khiến Trung Quốc nóng mặt, mới đây đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiếp tục có những phát biểu cứng rắn liên quan tới cường quốc đang cố nổi lên này.
Trước đông đảo quan chức quốc phòng của nhiều nước và các chuyên gia quốc tế tại Viện Lowy (Sydney, Úc) hôm 14/12, tướng Harry nói thẳng,“chúng tôi không cho phép một khu vực biển chia sẻ chung bị đơn phương đóng cửa, bất kể số lượng các căn cứ quân sự được xây dựng ở Biển Đông” và “chúng tôi sẽ hợp tác khi có thể và sẵn sàng đối mặt khi cần”.
Nếu nhìn lại nhiệm kỳ của Tổng thống Obama không khó để thấy, trước những hành xử hung hăng trên Biển Đông, nước Mỹ nhiều lần lên tiếng không thừa nhận các đòi hỏi quá đáng về lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông và thường xuyên điều tàu chiến đi tuần tra tại đây nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông ở vùng này.
Các tàu chiến Trung Quốc rời cảng ở đảo Hải Nam để tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Đầu tuần này, khi bàn về chuyện an ninh hàng hải, vừa rồi, tướng Harry lại tiếp tục khẳng định, “sẽ không cho phép một không gian chung bị (Trung Quốc) đơn phương đóng cửa, dù cho có bao nhiêu thực thể nhân tạo được xây dựng tại Biển Đông đi nữa".
Dự đoán về các hành động của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết, Trung Quốc đã gần như hoàn thành cơ bản việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ âm thầm hoàn thiện tiếp mà không cần phải gây thêm các ồn ào lớn.
Hơn nữa, sau phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines hồi tháng bảy Trung Quốc cũng có sự kiềm chế để giảm sức ép về ngoại giao và công luận về chính sách biển Đông của họ. Dường như họ cũng có sự nhún nhường nhất định để thực hiện mục tiêu này. Còn một nhân một nhân tố chủ chốt trong tranh chấp biển Đông, đó là Philippines dưới thời Tổng thống Duterte có sự thay đổi về chính sách, và chính vì vậy mà Bắc Kinh muốn có một thời gian yên tĩnh để mà lôi kéo được ông Duterte một cách thành công hơn, cho nên họ có giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Song ông Hiệp tin rằng, sự yên tĩnh ở vùng Biển Đông chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami, tức là sau một thời gian căng thẳng đạt được các mục tiêu của mình, thì Trung Quốc tạo ra một thời kỳ lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới. Có lẽ năm 2017, 2018 sẽ có thêm những diễn biến mới.
Ai cũng biết, phía Trung Quốc thường nhạy cảm và phản ứng gay gắt khi cho rằng người Mỹ hay các quốc gia khác có những hành động mà họ cho là thù địch, bất lợi cho những đòi hỏi vô lý của họ, nhất là tại khu vực Biển Đông.
Nói tiếp về quan hệ Mỹ- Trung, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng, cuộc nói chuyện trực tiếp giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan là điều khá đặc biệt từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, và Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo Đài Loan. Điều này đặt ra một câu hỏi về chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào.”
Một số học giả Trung Quốc cho rằng cuộc nói chuyện vừa rồi là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với công luận và giới làm chính sách Trung Quốc, bởi vì từ khi ông Trump đắc cử, nhiều nhà phân tích Trung Quốc có cái nhìn tương đối lạc quan về quan hệ Mỹ Trung trong thời gian tới, cũng như vai trò của Trung Quốc trong khu vực, do chính sách biệt lập mà ông Trump nêu ra.
Nhưng với tiến sĩ Hiệp, xét về dài hạn, Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và có lẽ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng, đủ sức mạnh để thách thức vị thế siêu cường của Hoa Kỳ ở trên thế giới cũng như tại khu vực. Chính vì vậy mà sớm hay muộn Mỹ cũng phải tìm cách để mà đối phó hay là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, “giờ vẫn còn sớm để nói đến chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với châu Á nói chung cũng như là Trung Quốc hay các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trong thời gian qua ông Donald Trump đưa ra những ý kiến tương đối mâu thuẫn nhau. Một mặt ông tuyên bố sẽ giảm dần sự can dự vào khu vực, nhưng mặt khác thì một số diễn biến gần đây lại cho thấy điều ngược lại”, ông Hiệp minh chứng.
Đông Hải