- Rất đông bạn đọc bị thu hút bởi bài “Lớp VIP trường công: 'Doanh thu' 300 triệu”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Biến trường công thành ‘trường VIP’ là tạo ra…rào cản

Bạn Dương Hà, Email ha.duonghai@gmail.com nêu ý kiến: Đọc bài báo này tôi thấy mô hình lớp học gọi là ‘chất lượng cao’ quá tốn kém, gây bất bình đẳng trong giáo dục tiểu học. Vì giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên, cho nên không có nghĩa là có tiền thì muốn làm gì thì làm!

Phụ họa của email chiende@gmail.com: Tôi thực sự sững sờ trước bài báo này! Tôi không thể hiểu nối cái gọi là ‘xã hội hoá’ hay ‘cải cách’ giáo dục gì đó, cuối cùng lại đẻ ra ‘sản phẩm’ có sự phân biệt trẻ giàu, trẻ nghèo một cách sâu sắc ngay từ bé, thử hỏi các em sẽ phát triển ra sao?

So sánh của bạn Nguyễn Tiến Anh, email ng_tien_thao@yahoo.com: Cùng là trường công lập nhưng chi phí nâng cấp của 1 lớp học này bằng cả chi phí xây dựng 1 trường học ở vùng quê miền núi. Không biết lớp này sẽ cho ra đời bao nhiêu thủ khoa nhưng trước mắt chỉ thấy tốn kém và quan trọng nữa là sẽ gieo vào tâm trí của trẻ sự phân biệt giàu nghèo, là không tốt. Vì thế hệ trẻ hãy dừng chương trình này và dùng số tiền này đầu tư cho các trường miền núi xa xôi.

Bạn Trần Ngọc Hưng, email hoacome@gmail.com tán đồng: Ai chả muốn cho con mình học tốt, nhưng mà đóng tiền vào để xây dựng lớp học kiểu như thế này thì không thể được. Phải tính toán làm sao cho hợp lý, không phải cứ đóng tiền nhiều, lớp học tốt là con cái mình học tốt đâu. Cái chính là đạo đức, năng lực của giáo viên có tốt hay không?

Ảnh minh họa
Email liennh@gmail.com liên hệ: Lớp học cấp tiểu học trường công như ở Mỹ chỉ khoảng 15 cháu/lớp với giáo viên có bằng cấp Thạc sỹ, trang thiết bị bình thường, chương trình học thích hợp là đã đảm bảo chất lượng dạy học tuyệt vời. Ở VN, các lớp chỉ nhằm thu phí, thêm đầu tư cho trang thiết bị. Bố mẹ có dám chắc trang thiết bị tiền khủng sẽ đảm bảo cho sự phát triển tốt của con mình mà đã vội vã đóng góp cho trường? Tôi cho như vậy thật là … lãng phí.

Bạn Lương Xuân Hải, email xuanhai@gmail.com cho rằng: Với trình độ kinh tế xã hội hiện tại thì không nên mở rộng mô hình này, vì nếu mở rộng thì sẽ rất nhiều phụ huynh không có tiền cũng phải cố cho con bằng bạn bằng bè, như thế là ‘chết mòn’ về kinh tế và cả tinh thần. Hiện nay cái cần rèn giũa cho học sinh là kỹ năng sống, thể lực và kiến thức thực tế, nếu cứ mãi mê theo công nghệ thì con trẻ trở nên ảo hóa, thiếu thực tế, khi ra đời gặp những tình huống khó khăn sẽ không vượt qua được.

Lập luận của email liemsb@yahoo.com.vn: Bác Hồ có câu “Vì lợi ích trăm năm, trồng người”, đầu tư lớn cho giáo dục là rất tốt, rất nên khuyến khích. Vấn đề ở đây chỉ là nó biến trường công thành cái gọi là trường VIP, mà cái gì đã là VIP thì không thể là cái chung, là cái phổ biến được. Học phí cao ngất trời sẽ là cái rào cản, bộ lọc tự nhiên để phân biệt giàu nghèo, sâu xa hơn là tính giai cấp của nó. Trên thế giới này, tiêu chuẩn trường công của họ là chuẩn mực, những người muốn VIP thì ra trường tư mà học.

Cần nhất là cái tâm của người làm giáo dục

Trăn trở của email thangtt1@yahoo.com: Năm nào cũng đầu tư, năm nào cũng xây dựng. Việc xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng là của nhà nước chứ sao lại đổ hết lên đầu phụ huynh song lại biến tướng thành kiểu ‘tự nguyện’? Chính kiểu này làm sự phân biệt ngày càng rõ ràng, đi ngược lại với quan điểm bình đẳng trong giáo dục và phổ cập tiểu học của Đảng, Nhà nước. Thế này chắc là các gia đình công chức chân chính chẳng bao giờ có thể cho con em mình theo học được. Ngẫm lại sự nghiệp giáo dục của Việt Nam thật là đáng phải bàn.

Email hanh_nguyen7975@yahoo.com đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Giáo dục-Đào tạo, Sở Giáo dục-Đào tạo không đầu tư các trường cao cấp riêng biệt như trên để thu tiền các phụ huynh học sinh muốn cho con em tiếp cận cơ sở vật chất cao cấp?

Ý kiến có tính ‘lý luận’ của email hvtv@gmail.com: Nếu Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép làm những chuyện này thì quả thực là hết chỗ nói. Đành rằng tiện nghi phục vụ cho học tập tốt hơn, nhưng phải nhìn vào mặt bằng chung trong xã hội. Làm như vậy sẽ là chia rẽ, phân biệt giàu nghèo không đúng với bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa.

Email nhatnam.2014@gmail.com lo xa: Thế này thì chỉ đào tạo ra một thế hệ quen hưởng thụ. Lại một thế hệ ‘đại gia’ không biết quý trọng đồng tiền và sức lao động. Buồn thay!

Theo email minhvp_nt@yahoo.com thì: Cái các em cần hiện tại không chỉ gói gọn trong 1 phòng học nhỏ xíu đó. Tiền chỉ tô đẹp cái căn phòng thôi. Cần cái sân, hoạt động ngoại khóa, mà cần nhất là cái tâm của người làm giáo dục.

Ý kiến của bạn Nguyễn Văn Tuấn, email vietnam_123vietnam@yahoo.com.vn lại khác: Sao không nhìn những mặt tích cực? Sao cứ phân biệt trường công, trường tư? Họ có tiền muốn con học ở nơi có cơ sở vật chất tốt có gì sai? Nếu hệ thống trường công lập không đổi mới thì lượng tiền lại vào ‘túi’ trường khác. Do đó nên ủng hộ những trường như thế này. Tuy nhiên cần thanh tra, kiểm tra để chống tham nhũng.

Bạn Thanh Do, email dott@petrolimex.com.vn tán đồng: Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã sống và suy nghĩ theo ‘chủ nghĩa bình quân’ quá lâu rồi. Người có điều kiện họ có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho bản thân và người thân của họ. Nên bắt đầu 15%-25% lớp đầu tư kiểu này, nếu ai không muốn, chưa có điều kiện sẽ bố trí ở các lớp bình thường. Sử dụng được 4-5 năm, thấy tốt quá thì chung tay làm, tạo môi trường học tập của con em tốt nhất (nhưng lưu ý tối đa 75% là hợp lý, để những gia đình không có điều kiện còn có chỗ cho con học). Các trường công hiện nay phần lớn giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, nếu tăng cường cơ sở vật chất sẽ rất tốt.

“Đất nước đã qua thời bao cấp lâu lắm rồi, mà trong tâm tưởng nhiều người vẫn mong nhà nước lo hết, nên khi có ai đó đứng ra làm chuyện ‘xã hội hóa’ thì cả làng ‘xôn xao’. Tôi ước ao trường công của ta có cơ chế tốt thì tiền đóng góp của phụ huynh vào tài sản của trường vẫn nhỏ so với vào trường quốc tế chi phí tới gần 1 triệu đồng mỗi ngày”. Đó là ý kiến của email trungkyphan@yahoo.com.

Giọng bạn Đỗ Xuân Tiến, emai tiendx2002@gmail.com hài hước pha chua chát: Đầu tư cho giáo dục thế cũng chưa phải là cao đâu. Chả hơn chán là đầu tư vào siêu xe à?

Email nghiahp79@gmail.com mong mỏi: Giáo viên hãy nghĩ ra phương pháp để các em thực sự thích học ở trường hơn ở nhà. Câu trả lời rất đơn giản nhưng làm cực kỳ khó, đấy là hãy yêu quý học sinh của mình như con để khi các em đến lớp cũng như được ở nhà với bố mẹ. Làm được điều này chắc sẽ không phải tốn tiền xây các lớp học tương tác như trên. Vì trẻ em chỉ thích tương tác với những cái mình thích, mình yêu quý, mình tôn trọng.

Ban Bạn đọc