Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại sau nhiều phiên lao dốc xuống đáy trong năm 2022. Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên 3/10 (rạng sáng 4/10 giờ Việt Nam) bật tăng hơn 760 điểm (+2,7%).

Giới đầu tư bắt đáy cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh nhiều chuyên gia cho rằng hầu hết các mã đã ở trong tình trạng quá bán. Sức cầu được cải thiện sau khi đồng USD quay đầu giảm so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, từ đỉnh 20 năm vừa xác lập vào cuối tháng 9/2022.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm từ đỉnh 12 năm (ở ngưỡng 4%) về gần 3,6%.

Đồng USD được đánh giá đang chịu áp lực bán chốt lời, trong khi đó Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu tăng mạnh lãi suất từ nay đến cuối năm. Mức tăng có thể áp đảo quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 11 tới.

Niềm vui của các nhà đầu tư khi chỉ số Dow Jones Mỹ tăng 2,7% sau khi giảm 8,8% trong tháng 9. (Ảnh: CNBC)

Trên CNBC, Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA Sam Stovall cho rằng, sự hồi phục trong phiên đầu tháng mới không có gì bất ngờ vì thị trường đã rơi vào tình trạng quá bán.

Trong tháng 9/2022, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 8,8%. Trong khi đó, chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt giảm 9,3% và 10,5%.

Bên cạnh đó, nhiều người tin tưởng thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ tăng giá vào cuối năm như thường thấy ở những năm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Giá vàng tăng mạnh hơn 2% lên ngưỡng 1.700 USD/ounce nhờ USD và lợi suất trái phiếu suy giảm. Đại diện U.S. Global Investors cho rằng, giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở những loại tài sản giảm sâu, trong đó có vàng.

Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật tăng 2% khi mở cửa. Các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng trở lại sau khi chứng khoán Mỹ hồi phục.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ. (Biểu đồ: M. Hà)

Còn nhiều lo ngại

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái rõ rệt. Lạm phát tại châu Âu trong tháng 9 tăng vọt lên ngưỡng 10%, trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn còn dai dẳng.

Giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức cao khi Nga kiểm soát lượng bán và mùa Đông lại đang tới gần.

Giá dầu thô hôm 3/10 tăng hơn 4% lên gần 89 USD/thùng (Brent) sau khi OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày để trợ giá dầu. Đây sẽ là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó, giá dầu giảm 4 tháng liên tiếp khi các biện pháp phong toả Covid-19 ở Trung Quốc ảnh hưởng tới cầu chung trên toàn cầu.

Triển vọng các thị trường cổ phiếu trên thế giới chưa tươi sáng khi mà ngân hàng trung ương các nước vẫn đang dồn lực chống lạm phát, nâng lãi suất và hút bớt tiền ra. Triển vọng các nền kinh tế suy giảm tăng trưởng hoặc suy thoái là rõ rệt.

Theo Bank of America, tỷ trọng tiền mặt của các nhà quản lý quỹ đang ở mức cao kỷ lục. 

Tất cả đều đang chờ diễn biến mới trên thị trường và sự chuyển đổi của thế giới sang một thời kỳ mới cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế.

Sự eo hẹp của dòng tiền đã khiến hầu như tất cả các loại tài sản đều giảm giá. Khoảng 36 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.

Cú sụt giảm 10% giá trong phiên sáng 3/10 của cổ phiếu ông lớn ngành ngân hàng thế giới Credit Suisse (Thụy Sĩ) khiến giới đầu tư lo ngại về một kịch bản Lehman như hồi 2008 cho dù những đánh giá ban đầu cho thấy tình hình không đến nỗi xấu quá. So với đầu năm 2022, cổ phiếu Credit Suisse đã giảm 55%.