- Nếu qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật tốt thì chúng ta không sợ có tình trạng "loạn" giáo sư.

Liên quan đến những thảo luận chung quanh câu hỏi có nên giao cho trường đại học bổ nhiệm giáo sư, có một số ý kiến quan ngại là sẽ dẫn đến tình trạng "loạn" giáo sư. Tôi nghĩ đây là một quan tâm thoạt đầu nghe qua thì chính đáng, nhưng xem xét kĩ thì không có cơ sở.

Nguyên lí, và cũng là mục tiêu, của việc đề bạt giáo sư trước hết nhằm ghi nhận đóng góp của ứng viên cho khoa học, cho cộng đồng xã hội, và cho nhà trường. Mục tiêu quan trọng thứ hai là nhận ra những cá nhân có tiềm năng tốt hay "ngôi sao" khoa học trong tương lai.

Giáo sư là những người chủ yếu làm việc trong hai lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Dĩ nhiên, cũng có một số giáo sư làm quản lí trong đại học (như hiệu trưởng, hiệu phó), nhưng số này không nhiều. Hai yếu tố tạo ra tính "chính danh" của giáo sư là tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm. Theo cách hiểu của công chúng, giáo sư phải là những người xuất sắc trong nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy, và được bổ nhiệm theo một qui trình minh bạch.

{keywords}

Chức vụ giáo sư gắn liền với một trường.

Vì nhiệm vụ chính của giáo sư là nghiên cứu khoa học hoặc/và giảng dạy, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm phải dựa vào thành tích xuất sắc của hai lĩnh vực đó. Các đại học trên thế giới đã có những bộ tiêu chuẩn như thế, nên các đại học Việt Nam không cần tạo ra bộ tiêu chuẩn mới.

Chẳng hạn, theo người viết được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng soạn tiêu chuẩn sau khi đã tham khảo tiêu chuẩn của các trường đại học có tiếng bên Mĩ và Úc, và có cố vấn trực tiếp từ các giáo sư ở nước ngoài. Theo đó, Trường không chỉ xem xét đến số công trình nghiên cứu, mà còn xét đến chất lượng, đóng góp cho chuyên ngành, nhà trường… của nghiên cứu. Đó là những tiêu chuẩn không có trong bộ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Tính chính danh của giáo sư còn qua qui trình bổ nhiệm. Giáo sư là người làm khoa học, mà khoa học dựa vào bình duyệt như là một trụ cột chính. Do đó, qui trình bổ nhiệm nên dựa vào bình duyệt từ đồng nghiệp của ứng viên, chủ yếu từ ngoài đại học. Ở các đại học Úc, Mĩ và Â châu, một số giáo sư bình duyệt là người nước ngoài.

Theo qui trình này, hồ sơ của ứng viên được gửi ra ngoài bình duyệt, và dựa vào nhận xét của các chuyên gia, hội đồng học thuật của trường đại học sẽ ra quyết định. Do đó, Hội đồng học thuật của trường chỉ đóng vai trò trung gian trong qui trình bổ nhiệm. Các đại học ở Mĩ và Úc không sử dụng cơ chế bỏ phiếu kín như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Đây là cơ chế không mang tính khoa học, mà còn là cơ hội cho việc "chạy", vốn tai tiếng hiện nay.

Nếu ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn và qua bình duyệt của đồng nghiệp thì không có lí do gì không được bổ nhiệm. Do đó, với một qui trình minh bạch, tiêu chuẩn khách quan và khoa học, thì không có chuyện "loạn" giáo sư. Có thể nói trong bối cảnh hiện nay, khái niệm "loạn" giáo sư chỉ là một cái cớ để ngăn chặn cải cách trong việc bổ nhiệm giáo sư ở các đại học.

Thế nào là loạn giáo sư? Nếu hiểu "loạn" có nghĩa là lẫn lộn giáo sư đại học và giáo sư của các trường cao đẳng thì Mĩ đã "loạn" giáo sư từ lâu. Ở Mĩ, các trường cao đẳng cộng đồng cũng có chức danh "professor" (giáo sư), nhưng danh xưng đó cũng là chức danh giáo sư của các đại học. Và bởi chức vụ giáo sư gắn liền với một trường nên không có chuyện loạn.

Quay lại câu hỏi "loạn" trong bối cảnh Việt Nam. Nếu những người đáp ứng tiêu chuẩn của một giáo sư nhưng bị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu rớt, thì đó có phải là tín hiệu cho thấy qui trình có vấn đề? Ngược lại, nếu những người không xứng đáng và không đạt chuẩn giáo sư, nhưng lại được bỏ phiếu công nhận, thì rõ ràng là qui trình cũng có vấn đề.

Trong thực tế, qui trình phong chức danh giáo sư theo kiểu tập trung hiện nay có nhiều vấn đề mà các chuyên gia đã chỉ ra từ lâu. Nếu qui trình có vấn đề thì "loạn" giáo sư có thể xảy ra, vì thật giả lẫn lộn. Hiện nay, chúng ta biết rằng có nhiều người được phong chức danh giáo sư mà không trực tiếp làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng tính chính danh của giáo sư được xác định qua qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật. Nói cách khác, nếu qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật tốt thì chúng ta không sợ có tình trạng "loạn" giáo sư.

Xin nhắc lại và nhấn mạnh rằng bổ nhiệm giáo sư là một cách ghi nhận đóng góp của ứng viên cho khoa học và phát hiện nhân tài. Thật là không thuyết phục khi có người sử dụng cái cớ "loạn" giáo sư để không công nhận những giảng viên Việt Nam xứng đáng chức giáo sư.

Nguyễn Văn Tuấn