Nhìn từ góc độ chính trị, cuộc hôn nhân “dang dở” giữa EU và Vương Quốc Anh có thể là một “cơ hội” để TQ tận dụng theo nhiều cách khác nhau.
Khi châu Âu đang lâm vào tình thế hỗn loạn bởi quyết định của của người Anh rời khỏi EU, thì TQ đang có những động thái mới để thúc đẩy vai trò cường quốc tài chính của mình. Bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2016, đến cuối tháng 6/2016, Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng (AIIB) đã có cuộc họp thường niên đầu tiên tại trụ sở chính ở Bắc Kinh với 57 thành viên sáng lập.
AIIB là dự án trọng tâm tham vọng của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình để tìm kiếm một tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu và hội nhập kinh tế sâu hơn với các nước láng giềng của TQ.
Dự án tham vọng
Trong nhiều thập kỷ, TQ luôn là quốc gia nhận được đầu tư quy mô lớn từ nước ngoài. Kết quả là nước nàyTQ trở thành một quốc gia thặng dư về tư bản, từ đó thay đổi vị thế của họ từ một quốc gia nhập khẩu, thành một quốc gia xuất khẩu về vốn. Trong những năm tới đây, TQ sẽ tăng cường đầu tư ra nước ngoài vì khoản dự trữ 3 nghìn tỷ USD trong nhiều thập kỷ, cùng với những nỗ lực của Bắc Kinh thay đổi các luật lệ và quy tắc trò chơi trên bình diện toàn cầu.
AIIB được thành lập để đưa khoản dự trữ tích lũy khổng lồ này đi vào hoạt động. Mục tiêu là để duy trì mức việc làm ở các đại công ty, tăng cường mức độ cạnh tranh toàn cầu trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Những công ty này – như State Grid Corp của TQ và Công ty Dầu khí quốc gia TQ tại nước ngoài (CNOOC) – hiện là các chủ lao động lớn nhất của TQ, và cũng là những nhà đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô nhất.
Việc nhu cầu cơ sở hạ tầng trong nước của TQ hiện nay hầu như đã được đáp ứng (thậm chí dư thừa), dẫn đến nhu cầu các đại công ty cần khuếch trương các hợp đồng nước ngoài để đảm bảo doanh thu và phát triển.
Nhìn vào bản đồ cung cấp tín dụng, có thể thấy rõ ràng rằng AIIB hiện đang mở rộng về phía Tây Nam của thế giới, lôi kéo các nước châu Mỹ La tinh và châu Phi. Hiện tại, Brazil là thành viên AIIB từ châu Mỹ La tinh duy nhất, trong khi Ai Cập và Nam Phi là hai cổ đông duy nhất từ châu Phi. Hiện tại, AIIB chỉ mới quyết định cung cấp tín dụng khoảng 500 triệu USD – một giọt muối bỏ bể so với nguồn vốn 100 tỷ USD của ngân hàng này.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Cameron trong một sự kiện diễn ra tại London. Ảnh: Bloomberg |
Tận dụng “cuộc hôn nhân” dang dở?
Cũng trong cuộc họp thường niên đầu tiên, chủ đề Brexit cũng được đưa ra mổ xẻ. Giám đốc AIIB cho biết TQ có đủ ngân sách để đối phó với bất kỳ bất ổn thị trường nào gây ra bởi việc rời khỏi EU của nước Anh, nhưng nên hạn chế can thiệp quá sâu để tránh làm thay đổi giá trị của đồng nhân dân tệ.
Về thị trường xuất khẩu, trong tương lai gần, việc nước Anh ra khỏi EU có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào kim ngạch xuất khẩu và các dòng vốn của TQ, làm đồng nhân dân tệ suy yếu hơn. Các quan chức tài chính từ Bắc Kinh cho biết rằng TQ đã có kế hoạch để đối phó với cuộc trưng cầu Brexit, và sẽ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ thận trọng và các công cụ đa chính sách tiền tệ để giữ các mức thanh toán hợp lý và duy trì sự ổn định chung trên thị trường. TQ
Nhìn từ góc độ chính trị, cuộc hôn nhân “dang dở” giữa EU và Vương Quốc Anh có thể là một “cơ hội” để TQ tận dụng theo nhiều cách khác nhau. Anh vẫn là một thành viên sáng lập quan trọng của AIIB, và TQ vẫn sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nước Anh. Đồng thời, việc thiết lập một văn phòng AIIB ở London có thể phụ thuộc vào việc liệu thành phố này có thể duy trì vai trò trung tâm tài chính quốc tế.
Suốt thời gian dài, cùng với các quốc gia nòng cốt của EU, Anh, Pháp và Đức luôn là một thành trì vững vàng trong việc bảo vệ an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại các khu vực biển tại Đông Á. Khi hầu hết các dòng chảy nhập khẩu và xuất khẩu của EU đến châu Á đều đi qua tuyến đường biển Đông thì lợi ích kinh tế, lẫn chiến lược của các nước EU trong việc đảm bảo tuyến đường này an toàn và không quốc gia nào có khả năng “độc chiếm” là không cần bàn cãi.
Tuy vậy, giới quan sát lo ngại những động thái của TQ nhằm “bắn lẻ” hay “bẻ đũa” từng quốc gia đã được ghi nhận qua các hợp đồng hàng tỷ đô mà Bắc Kinh hứa hẹn cho các nước EU. Gần đây nhất, đại sứ TQ tại EU Yang Yanyi vừa cảnh báo EU không nên can dự vào xung đột lãnh thổ ở Biển Đông trên trang EurActiv. EurActiv bình luận rằng Bắc Kinh lo sợ các thành viên EU đồng tình đứng về phía Mỹ để cô lập TQ trước phán quyết về biển Đông của Tòa trọng tài vào trung tuần tháng 7.
TQ sẽ không dễ dàng thay đổi lập trường của nước Anh. Cái Bắc Kinh có thể làm là tận dụng tình thế “đổ vỡ” để chèn vào những đề nghị hợp tác chiến lược với London (và cả với các nước EU) trong tương lai trung hạn và dài hơi hơn. Với kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân tệ thông qua nhiều kênh và ngân hàng phát triển AIIB, người TQ đang có một đòn bẩy tài chính quan trọng.
Hoàng Thắng (từ Pháp)