Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 được triển khai, thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.

5 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã cùng nhau chia sẻ, gắn bó, để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém; khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh đưa Hậu Giang vượt qua mặc cảm là vùng trũng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trũng trong phát triển kinh tế, trong giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, vì điểm xuất phát thấp.

{keywords}
Hậu Giang hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ nhờ chỉ đạo có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm và 18 chỉ tiêu chủ yếu. Để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: 14 nghị quyết, 52 chỉ thị, 53 chương trình, 171 kế hoạch, 16 quy chế, 42 quy định, 2.832 quyết định và nhiều văn bản điều hành khác, từ đó các nhiệm vụ trọng tâm đều cơ bản hoàn thành và 16/18 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết đề ra

Xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt

Cấp ủy các cấp luôn xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt nên tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Việc học tập, quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh được triển khai kịp thời, nghiêm túc và hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được các cấp ủy đảng quan tâm, có sự đổi mới cả về nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh đó, công tác điều tra nắm bắt, dự báo, định hướng tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội luôn được coi trọng và từng bước đi vào nền nếp. Tư tưởng của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cơ bản ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yên tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đạt yêu cầu đề ra; quan tâm đúng mức việc gợi ý kiểm điểm để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, qua đó nhiều tập thể, cá nhân đã mạnh dạn, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế và xây dựng kế hoạch khắc phục, đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Một trong những dấu ấn tích cực nữa thể hiện qua công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở các đơn vị kinh tế tư nhân với những chuyển biến tích cực. Nhiệm kỳ vừa qua Hậu Giang đã hoàn thành việc giải thể chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, đưa đảng viên về sinh hoạt ở các khu dân cư; nội dung sinh hoạt chi bộ từng bước đổi mới, đặc biệt. Ngày 03/10/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 2221-QĐ/TU về việc dự sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ tỉnh và Quyết định 2222-QĐ/TU về việc phân công Bí thư, các phó bí thư Tỉnh ủy, các ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy và ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ ấp, khu vực; việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ngày càng thực chất hơn.

Chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên

{keywords}
Hậu Giang phát động cuộc vận động học tập và xây dựng quê hương, con người Hậu Giang “Đoàn kết - Nghĩa tình - Thủy chung - Năng động”. 

Ngoài việc học tập, quán triệt nội dung chuyên đề hàng năm theo tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức biên soạn quyển tài liệu “Trao đổi kinh nghiệm qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại nghe dân nói, nói với dân”, quyển “Những tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác” và quyển “Ngôi đền huyền thoại” để phục vụ tuyên truyền, học tập trong Đảng bộ và Nhân dân; phát động cuộc vận động học tập và xây dựng quê hương, con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”, góp phần làm cho nội dung tuyên truyền, học tập và làm theo Bác ở Hậu Giang phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn của Tỉnh.

Với tinh thần chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính, thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện các tập thể, tổ chức, cơ quan, đảng viên chấp hành tốt, có cách làm hay, hiệu quả để phát huy, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình; đồng thời chỉ ra những hạn chế, sai sót, yếu kém qua đó giải thích, hướng dẫn để đối tượng khắc phục, sửa chữa.

Trên tinh thần đó, nhiệm kỳ vừa qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và các tổ chức đảng đã tiến hành kiểm tra 46.509 đảng viên và 3.949 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề 4.697 đảng viên và 1.505 tổ chức đảng; giải quyết 45 trường hợp tố cáo đảng viên và 02 tổ chức đảng; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 07 trường hợp. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những điều đảng viên không được làm; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ xử lý kỷ luật 630 đảng viên (giảm 451 đảng viên so nhiệm kỳ trước) và 10 tổ chức đảng (tăng 04 so nhiệm kỳ trước).

Tinh gọn bộ máy và điểm nhấn dân vận chính quyền

Việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ được tập trung thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, thực hiện được 7/8 đơn vị cấp huyện; tổ chức thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Công Thương và Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Trung ương Đảng kịp thời, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tính kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ tiếp tục được giữ vững; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong công tác cán bộ; kịp thời giới thiệu đảng viên đủ tiêu chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, ứng cử vào các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Cải cách hành chính trong Đảng được đầu tư nâng chất.

Hậu Giang cũng là tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp được sắp xếp, bố trí phù hợp trình độ chuyên môn, nâng cao công tác, có bước phát triển khá, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tổ chức 214 phiên tòa để rút kinh nghiệm trong công tác xét xử. Chỉ đạo xét xử kịp thời 06 vụ án (11 bị cáo) tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

{keywords}
Tỉnh ủy Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. 

Song hành với đó, công tác dân vận chính quyền trở thành một “điểm nhấn” quan trọng của nhiệm kỳ. Qua 04 năm (từ năm 2016 đến 2019), Tỉnh tập trung phát động và thực hiện “Năm dân vận chính quyền” mang lại kết quả khá tốt; quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được phát huy.

Bộ máy tổ chức chính quyền các cấp không ngừng kiện toàn theo hướng đề cao hiệu quả và hướng tới sự hài lòng của người dân; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn có ý thức phấn đấu rèn luyện đạo đức công vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh, đề xuất, kiến nghị, cũng như tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tỉnh ủy Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng/người, đạt 90,8% chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Từng là vùng trũng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trũng trong phát triển kinh tế, trong giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, vì điểm xuất phát thấp, nay Hậu Giang đã vươn lên như một hiện tượng của vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tất cả những đổi thay đó đều được gây dựng nhờ Hậu Giang đã tập trung xây dựng Đảng toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, cùng với với truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Thủy chung - Năng động” là những cơ sở vững chắc để Hậu Giang đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây sông Hậu.

Thúy Tình, Quyết Thắng, Văn Quý