Bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề đáng quan ngại, đặc biệt ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta. Vì thế chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện. 

Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số Hà Giang.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.

Đặc biệt, dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng được kì vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới của vùng.

Việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong mọi mặt đời sống xã hội. 

Đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số từ cấp Trung ương đến địa phương liên tục tăng qua các khóa gần đây. Tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Những giải pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới ở đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. 

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế về bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập. 

Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống...

Hơn nữa cần hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.

Thanh Bình, Hồng Hạnh, Diệu Bình, Bạt Tuấn, Hà Sơn