Theo PGS.TS Nguyễn An Lịch (Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam), Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ cho sự phát triển công tác xã hội để góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngày càng phức tạp.
Trước nhu cầu ngày càng cao đối với đất nước và hội nhập quốc tế, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác xã hội lĩnh vực tư pháp, góp phần thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác xã hội thế giới đã phát triển nhanh và ngày càng chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội tại các quốc gia - toàn cầu hóa sâu rộng trên khắp thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, dịch bệnh đã và đang tạo nên nhiều áp lực cho cuộc sống của con người trên trái đất. Công tác xã hội thế giới đang đứng trước nhiều thách thức to lớn.
Việt Nam, trong quá trình hội nhập đã không ngừng phát triển nhanh ngành công tác xã hội (CTXH), nhưng đồng thời cũng đang đặt ra nhiều vấn đề nổi cộm đòi hỏi ngành CTXH cần có những đột phá để đáp ứng nhu cầu của đất nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
PGS.TS Nguyễn An Lịch chỉ ra rằng, so với nhu cầu của thực tiễn xã hội, CTXH còn nhiều thiếu sót, bất cập. Chất lượng đào tạo cán bộ và nhân viên CTXH còn thấp, nhiều giảng viên giảng dạy về CTXH chưa được đào tạo về CTXH, kể cả giảng viên hướng dẫn cao học và nghiên cứu sinh ngành CTXH cũng vậy.
CTXH cũng chưa phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực trong phòng chống đại dịch COVID-19, bão lũ và các vấn đề xã hội nảy sinh trong thời gian qua.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật CTXH trong lĩnh vực tư pháp cần quan tâm mô hình văn hóa Việt Nam, lưu ý các văn bản pháp luật đã ban hành có liên quan đến CTXH.
Qua kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, cần xây dựng Bộ Luật cơ bản cấp quốc gia về CTXH một cách hoàn chỉnh, kết hợp từng bước xây dựng luật chuyên ngành CTXH trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau.
Trước hết, nên cân nhắc, tập trung xây dựng 3 bộ luật cơ bản gồm: Luật về Nghề CTXH Việt Nam; Luật về Nhân viên CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam; Luật về An ninh xã hội quốc gia.
Đây là ba bộ luật cơ bản cấp quốc gia, nên vận dụng các tiêu chí quốc tế vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam (về kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa...). Ba bộ luật cơ bản này sẽ tạo một hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề xã hội đang nảy sinh phức tạp, tạo nhiều áp lực trong đời sống của người dân.
Nhắc đến những bước xây dựng các bộ luật trên, PGS.TS Nguyễn An Lịch khẳng định, cần có sự khảo sát công phu, nghiêm túc, khoa học về nhu cầu thực tiễn xã hội, nhu cầu của các đối tượng (khách hàng) thụ hưởng kết quả của các luật; Cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị liên quan để xây dựng luật có hiệu quả…
Theo PGS.TS Nguyễn An Lịch, xây dựng các bộ luật về công tác xã hội rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh đang tác động vào các quốc gia.
Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thuận lợi, được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều đến lĩnh vực tư pháp. Các bộ luật của ngành CTXH Việt Nam ra đời, sẽ góp phần tích cực thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng ta do Đại hội XIII đề ra, làm phong phú thêm hệ thống tư pháp Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện những mong ước tốt đẹp của Đảng và Nhân dân ta.
Đó là sự mong ước “Một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”, “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo, và bất bình đẳng xã hội”; sự mong ước “cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”…
Đó cũng chính là mục đích cao cả xuyên suốt quá trình hoạt động của ngành CTXH cũng như của các bộ luật về CTXH tại Việt Nam.
Tuyết Nhung