Hơn 50% vốn sang tay trong một phiên

Trong phiên giao dịch ngày 11/7, hơn 50% vốn của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã PGB), tương đương hơn 155 triệu cổ phiếu, được trao tay thông qua giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư, trị giá 3.274 tỷ đồng.

Mức giá được giao dịch khoảng 21.000 đồng/cp, thấp hơn 25% so với giá trên sàn chứng khoán. Trong phiên 11/7, cổ phiếu PGB tăng kịch trần, đóng cửa ở giá 27.900 đồng/cp (+14,8%). Tính từ đầu năm, cổ phiếu PGB đã tăng khoảng 70%.

Trước đó phiên 10/7, cổ phiếu PGB cũng ghi nhận giao dịch khớp lệnh đột biến với hơn 11 triệu đơn vị - giá trị tương ứng 268 tỷ đồng, trong đó có tới 10,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong vòng chưa đầy 2 phút.

Hồi tháng 4, trăm triệu cổ phần PGB được giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch UPCOM sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGBank hôm 7/4 (với giá trung bình 21.400 đồng/cp). Ba cái tên khá lạ lẫm nhưng được cho là có quan hệ với tập đoàn trong lĩnh vực ô tô - Tập đoàn Thành Công (TC Group) là: CTCP Quốc Tế Cường Phát (mua 40,6 triệu cổ phiếu PGB); CTCP Thương Mại Vũ Anh Đức (hơn 40 triệu cổ phiếu PGB); Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Và Phát Triển Thương Mại Gia Linh (39,3 triệu cổ phiếu PGB). 

Đến nay, những giao dịch khủng hàng trăm triệu cổ phần cũng như phiên thoái vốn 120 triệu cổ phần của Petrolimex trước đó đối với PGBank vẫn chưa sáng tỏ. Câu hỏi ai sẽ là chủ nhân mới của ngân hàng này vẫn chưa rõ ràng?

Trước giao dịch thỏa thuận khủng hôm 11/7, không có cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nào của PGBank thông báo mua/bán cổ phiếu.

Hơn 50% vốn của doanh nghiệp/ngân hàng được chuyển nhượng trong một phiên. (Ảnh: PGB)

Trước đó ngày 30/11/2022, thị trường cũng ghi nhận một kỷ lục hiếm có. Hơn 54% số lượng cổ phiếu  lưu hành của một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng phía Bắc được giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn trong chỉ một phiên.

Cụ thể, hơn 165 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) của Chủ tịch Đỗ Quý Hải được chuyển nhượng. Đây là một kỷ lục mới về giao dịch của một mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, chỉ trong một phiên, phần lớn vốn của một doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang… đã được đổi chủ. Theo báo cáo, tới cuối năm 2021, ông Hải nắm giữ gần 121,8 triệu cổ phiếu HPX, tương đương hơn 40% vốn. Dragon Capital nắm giữ hàng chục triệu HPX.

Tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn nhất này có thể thay đổi mạnh bởi gần đây ông Hải bị các công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu. Phiên 30/11/2022 ghi nhận khối ngoại bán ra hơn 36,2 triệu HPX.

Ngoài ra, thị trường từng ghi nhận những phiên có giao dịch “khủng” ở một số mã cổ phiếu. Trong phiên ngày 22/11 và 28/11/2022 thị trường ghi nhận hàng trăm triệu cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn được chuyển nhượng qua khớp lệnh, trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 1/2022, giới đầu tư cũng chứng kiến kỷ lục chưa từng có, gọi tên ông Trịnh Văn Quyết. Hơn 40% trong tổng số 710 cổ phiếu FLC lưu hành được trao tay sau 2 phiên ngày 10-11/12022. Kỷ lục của FLC diễn ra sau thông tin ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC.

Đổi chủ, thay lãnh đạo cao cấp

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến những biến động cổ đông lớn tại Bamboo Airways (BAV). Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 10/5, Bamboo Airways đã tăng vốn thành công thêm 7.720 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, và trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Ông Lê Thái Sâm được biết đến là người đã cho Bamboo Airways vay tín chấp hơn 7.720 tỷ đồng. Ông Sâm do đó nắm hơn 1 tỷ cổ phần, tương đương 38%.

Nếu FLC hoàn tất chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways cho ông Sâm như công bố, ông sẽ sở hữu 1,4 tỷ cổ phần BAV, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 53,6%..

Nếu không có thay đổi sở hữu lớn nào khác, các cổ đông lớn của Bamboo Airways hiện còn có ông Trịnh Văn Quyết, Doãn Hữu Đoàn và ngân hàng NCB. NCB mới đây đã tiến hành xin ý kiến cổ đông để thoái vốn khỏi hãng hàng không này.

Hôm 8/7, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Chủ tịch Bamboo Airways, thay ông Oshima Hideki người Nhật vừa lên 3 tuần. Ông Nguyễn Ngọc Trọng được bầu lại là thành viên HĐQT kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, thay thế ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm chỉ sau ít tháng ngồi "ghế nóng".

Gần đây, PGBank cũng có những biến động mạnh về cơ cấu cổ đông cũng như lãnh đạo thượng tầng. Hôm 2/7, nhà băng vừa thông báo miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Oliver Schwarzhaupt chỉ sau 2 tháng bổ nhiệm (trước đó thay ông Nguyễn Quang Định). Ông Nguyễn Phi Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT, và thôi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Ông Phạm Mạnh Thắng được bổ nhiệm giữ vai trò quyền Tổng giám đốc.

Ông Bùi Thành Nhơn cũng từ có khoảng thời gian rời chức Chủ tịch Novaland.

Biến động tỷ USD

Đi cùng với những cú chuyển nhượng và cổ phiếu tăng giảm là những biến động được mất nghìn tỷ, thậm chí cả tỷ USD.

Ở vào thời kỳ cao điểm, khối tài sản của gia đình ông Đỗ Quý Hải (Hải Phát Invest) đạt 5.000-6.000 tỷ đồng. Hiện tài sản quy từ cổ phiếu HPX có thể giảm mạnh bởi giá cổ phiếu này đã giảm 70-80% và số lượng cổ phiếu của ông Hải cũng giảm do bị bán giải chấp.

Ông Bùi Thành Nhơn và các doanh nghiệp liên quan tới gia đình cũng chứng kiến những đợt bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu NVL, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 1 tỷ đơn vị, tương đương còn khoảng 50% vốn của Novaland.

Ông Nhơn đã rớt khỏi danh sách tỷ phú USD từ 18/11/2022 do cổ phiếu NVL giảm sàn liên tục. Hồi tháng 3/2022, ông Nhơn được Forbes ghi nhận có tài sản là 2,9 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch Bất động sản Phát Đạt PDR) từng có tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 5.600 tỷ đồng.