Xin giảm lãi suất
Tại hội nghị trực tuyến về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, ngay trong tháng 7 này.
Đây là điều nhiều doanh nghiệp rất mong mỏi. Dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm nay khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất các khoản vay hiện hữu đang là gánh nặng đối với họ.
Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi văn bản “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều DN cho hay vẫn phải trả lãi suất quá cao trong khi đã kiệt sức. |
Đa số doanh nghiệp, trong hơn 1 năm rưỡi qua, đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động. Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã đến giới hạn của mức chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng nhưng không có khả năng trả đúng hạn.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Trong đó, có đề nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp 2%/năm trong ít nhất 1 năm, đồng thời, giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), chia sẻ, các doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang đang tê liệt vì dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 10,5%/năm vẫn không được giảm. Vốn vay ngân hàng đã thực sự trở thành gánh nặng khủng khiếp và cực kỳ nguy hiểm cho mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất cần ngân hàng giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
Theo các doanh nghiệp, thời gian qua, ngân hàng cũng có giảm lãi suất với một số khoản vay hiện hữu của họ. Chẳng hạn, những khoản vay kỳ hạn dài, với lãi suất từ 11%-13%/năm, thời gian qua được giảm từ 1-1,5 điểm %/năm. Mặc dù đã giảm nhưng lãi suất phải trả vẫn trên 10%/năm - mức quá cao khi dịch bệnh khiến nhiều DN không chịu nổi.
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Hà Nội cho hay có vay vốn của một ngân hàng TMCP để mua ô tô từ giữa năm 2019, kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu là 8,7%/năm, các năm sau cộng biên độ 4,3%/năm. Dịch Covid-19 ập đến, hoạt động vận tải gặp khó khăn, ngân hàng đã giảm lãi suất hiện hữu cho họ 1,5%/năm, nhưng lãi suất phải trả vẫn là 10,5%/năm, quá cao trong khi doanh nghiệp đang kiệt sức.
Lãi vay vẫn treo cao
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn ngân hàng kỳ hạn 6 tháng, với lãi suất ở mức 7,5%/năm. Tuy nhiên, 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. Với kỳ hạn dài, lãi suất năm đầu từ 8%-8,5%, sau đó cộng biên độ từ 4%-4,3%.
Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay giảm chưa tương xứng. |
Một doanh nghiệp tại Long Biên, Hà Nội kinh doanh trong lĩnh vực bao bì có khoản vay 2 tỷ đồng, kỳ hạn 9 tháng tại một ngân hàng. Lãi suất cứ 3 tháng điều chỉnh một lần, kỳ đầu là 7,5%/năm, sang kỳ thứ hai tăng lên 8,5%/năm.
Còn theo một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai, tháng 3/2021 có vay số tiền hơn 20 tỷ đồng từ ngân hàng thương mại vốn Nhà nước, kỳ hạn 8 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu là 8%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ 4%/năm. Tính ra, lãi suất cho vay dài hạn lên tới hơn gần 12%/năm. Trong khi, lãi suất huy động của ngân hàng này kỳ hạn từ 24-60 tháng từ đầu năm 2021 đã giảm xuống còn 5,3%/năm.
Lẽ ra các ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, vậy nhưng cứ hết thời gian ưu đãi là lại tăng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, sản xuất bị ảnh hưởng nặng, thậm chí ngưng trệ, công nhân phải nghỉ việc thì ngân hàng tăng lãi suất cho vay là đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn khiến doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi cao.
Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Nếu lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/nă, thì có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, nhưng lãi suất cho vay vẫn treo cao.
Chiều ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng thống báo đã đạt được đồng thuận với 16 ngân hàng lớn nhất, chiếm 80% thị trường tín dụng về giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng hiện hữu từ 0,5 đến hơn 2% tuỳ khách hàng, mức giảm trung bình khoảng 1%/năm ngay từ tháng 7/2021.
Đây là một tín hiệu tích cực và các DN hy vọng điều này sẽ sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với những khoản vay hiện hữu có lãi suất trên 10%/năm, nếu chỉ giảm 1%/năm trong vòng một năm cũng không hỗ trợ được nhiều. Thử tính với 1 tỷ đồng, giảm được 10 triệu đồng lãi một năm thì không đáng kể trong hoàn cảnh hiện nay.
Trần Thủy
Ngân hàng kiếm lợi nhuận lớn, hy vọng lãi suất giảm dần xa mờ
Ước tính kết quả kinh doanh quý 2 và hai quý đầu năm 2021, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao. Lợi nhuận cao là do tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất cho vay neo cao, trong khi chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp.