Đừng vì những lý do tách nhập mà làm rối loạn đời sống nhà trường, và đối xử vô lý với các thầy, các cô giáo.

Có một vụ việc đang khiến hơn 200 giáo viên Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… nôn nao lo lắng.

Đó là việc Sở Nội vụ tỉnh này vừa có văn bản số 343/SNV–TCBC về phương án bố trí nhân sự. Theo đó, sở yêu cầu huyện Kỳ Anh phải chấm dứt đối với hợp đồng lao động do UBND huyện hợp đồng làm việc không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước[1].

Những “căn cứ” liệu có lý?

Theo công văn trên, có nghĩa là hơn 200 giáo viên thuộc diện này sẽ mất việc làm ngay trong năm học tới, cũng đồng nghĩa rằng hàng trăm con người đó phải “chạy”  bằng “năng lực” riêng của mình, với hy vọng được ở lại, được tuyển dụng. Đặt vụ việc này trong bối cảnh những tiêu cực vốn đã được đề cập rất nhiều về nạn hối lộ, chạy công chức, thì dư luận XH lại lo ngại những hệ lụy có thể xảy ra tiếp theo.

Xem xét kỹ chủ trương, mới thấy có bao nhiêu cái gọi là lý do mà ngành nội vụ tỉnh và huyện đưa ra liệu có lý.

Trước hết, về nguyên tắc cũng như trong thực tế, hơn 200 con người đó đã và đang đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu giáo dục địa phương suốt năm học 2014-2015. Không có bất kỳ một lời chê trách nào, có nghĩa là họ không hề có lỗi về chuyên môn hay đạo đức.

Hãy hình dung khối lượng công việc do hàng trăm giáo viên đảm nhận trong một năm, mới thấy việc thay cùng một lúc những giáo viên thuộc diện này không đơn giản.

Và một điều không đơn giản khác, ai cũng biết, vẫn có hàng ngàn cựu sinh viên ngành sư phạm đang thất nghiệp, nên để có một chỗ làm việc, một chỗ dạy học khi năm học mới bắt đầu, biết đâu sẽ dẫn đến sự phức tạp thế nào.

Dư luận XH đặt câu hỏi, vì sao chỉ có riêng Kỳ Anh phải thực hiện chủ trương này, còn bao huyện khác thì không? Phải chăng vì chuẩn bị tách thị trấn Kỳ Anh thành thị xã nên mới có quyết định của ngành nội vụ?

Không một cơ chế quản lý nào cho phép sự xáo trộn mang tính chất đảo lộn cuộc sống của hàng trăm người lao động, kéo theo đời sống hàng trăm người khác (nếu tính cả con cái, cha mẹ...) chỉ với một lý do tách – nhập rất bình thường. Lẽ ra, năm học mới bắt đầu, ngoài số giáo viên cũ, cần phải tuyển thêm theo việc tăng dân số, ở đây thì ngược lại.

Nếu nói rằng có những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu thì cần phải có hội đồng thẩm định. Vì nghề dạy học là một nghề mang tính đặc thù, chứ không thể đối xử theo kiểu không thích thì vắt chanh bỏ vỏ.

Chuyện tách – nhập các đơn vị hành chính ở XH ta không phải là mới. Nhưng chưa bao giờ thấy ở đâu, khi nào cách thức tách nhập kéo theo những hệ lụy liên quan đến đời sống hàng trăm giáo viên lạ lùng như ở Kỳ Anh.

{keywords}

Một phần nội dụng trong văn bản chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: Dân trí

Những hệ lụy

Điều làm dư luận xót xa nhất là trong khi đang kêu gọi nâng cao chất lượng giáo dục, tôn vinh người thầy để việc trồng người đem đến những điều tốt đẹp cho xã hội, thì các cơ quan chức năng của Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đối xử với người thầy lạnh tanh như thế, thử hỏi làm sao phụ huynh, học sinh có thể trân trọng nghề dạy học? Làm sao những sinh viên sư phạm nay mai ra trường họ có thể an tâm với nghề nghiệp của mình?

Phụ huynh hay học sinh ở huyện này không hiểu cái cơ chế, chủ trương trước đó của huyện Kỳ Anh, họ chỉ quan tâm đến phần kết quả-  thầy, cô mất việc, thì suy ra phải sai phạm nghiêm trọng mới đến nông nỗi thế. Vô hình trung, hình ảnh người thầy sẽ bị xấu đi rất nhiều...

Mặt khác, nếu tính sát sao, hàng trăm giáo viên sắp bị ra lề đường đó chỉ có vài chục ngày để tiếp tục tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, tháng 5 là tháng bộn bề công việc với thi cử, sổ sách. Làm sao người thầy có thể an tâm, đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh?

Những người có trách nhiệm quản lý của huyện Kỳ Anh không thể bất chấp tính ổn định của trường học, và cả số phận của 200 giáo viên cùng với gia đình, người thân của họ?

Khi được phóng viên báo Dân Trí [1] hỏi “liệu trường có đủ khả năng về tài chính để chi trả cho các lao động hợp đồng này hay không” ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh, trả lời: “Trường nếu có nhu cầu tuyển dụng thì chắc sẽ có năng lực chi trả. Với lại việc này là cũng đang chỉ đạo trên văn bản chứ chưa thực hiện”.

Vấn đề đặt ra là có hiệu trưởng trường nào (trực thuộc phòng GD) dám bỏ tiền túi ra trả lương cho giáo viên bởi chẳng có cái cơ chế nào cho phép làm điều này? Và, việc “chỉ đạo bằng văn bản” chẳng lẽ không thực hiện? Nói thế thì ban hành văn bản để làm gì?

Cái “lý” các trường phải tự chịu trách nhiệm, tự trả lương thật khó chấp nhận. Có trường nào được phép tự thu học phí, không phải nộp lên trên? Có trường tiểu học, THCS nào mà hiệu trưởng được phép thu chi nếu không được cấp huyện duyệt, dù chỉ là 01 đồng?

Hà Tĩnh là nơi chôn rau, cắt rốn của người viết bài này. Nhưng xin đừng làm đau thêm nỗi đau của những nhà giáo Hà Tĩnh dẫu xa hay gần.

Không thể chấp nhận cách hành xử tùy tiện của huyện Kỳ Anh, coi thường người lao động, và không tính đến sự ổn định của nghề dạy học. Hơn 200 giáo viên đó đã và đang làm tốt chức phận của mình, nhu cầu của năm học mới còn cần phải tuyển thêm nhiều nữa. Đừng vì những lý do tách nhập mà làm rối loạn đời sống nhà trường, và đối xử vô lý với các thầy các cô giáo.

Hà Văn Thịnh

-----

[1] Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc làm, Dân trí, 01/05/2015.