Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Cách thị trấn Kbang 60km, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều du khách tới tham gia trải nghiệm trekking và tham quan hệ sinh thái của rừng giữ đại ngàn Tây Nguyên. 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có diện tích 15.500 ha, độ che phủ rừng lên tới 98%. Trong rừng có hệ thực vật và động vật đa dạng quý hiếm. Các loài Voọc chà vá chân xám, Hổ, Sóc bay lông tay, Vượn đen má vàng, Tê tê Ja Va, Báo lửa, Mèo gấm, Báo gấm, Gấu ngựa...

dong vat hoang da 1.png
Lực lượng cứu hộ động vật giải cứu động vật hoang dã. 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ghi nhận khoảng 875 loài thực vật, trong đó có 22 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài trong Sách đỏ quốc tế. Hệ động vật gồm: động vật hoang dã có xương sống (thú, chim lưỡng cư và bò sát) đã ghi nhận được 380 loài bao gồm 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. 64 loài nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: Voọc chà vá chân xám, Hổ, Tê tê Ja Va, Cầy mực, Cầy bay, Gấu ngựa, Gà lôi trắng, Hồng hoàng, Niệc nâu, Khướu đầu đen, Rắn hổ chúa… 

Tại đây còn có hệ côn trùng đa dạng với 211 loài, 7 loài nằm trong danh mục cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia như Bọ hung ba sừng, Bọ hung sừng chữ y, Bướm chúa rừng nhiệt đới mưa, Bướm phượng cánh chim liền. Đây cũng là thủ phủ của nhiều loài nấm rừng trong đó có nhiều loài mới ghi nhận lần đầu tại Việt Nam.

Với hệ động, thực vật đa dạng mang tính đặc trưng của rừng Tây Nguyên và nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, Khu bảo tồn từng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ việc phá rừng trồng cây công nghiệp, lấn chiếm đất rừng trái phép và săn, bắn động vật hoang dã quý, hiếm…

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã tập trung nhiều biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn sự xâm hại rừng của con người. Trước đây, tình trạng săn bắt thú rừng tại đây diễn ra phổ biến thì hiện nay đã giảm nhiều.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng giải quyết các vấn đề về giao rừng cho cộng đồng người dân sinh sống quanh rừng thành các tổ bảo vệ rừng. Thành lập tổ lâm nghiệp cộng đồng, đây cũng là lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực tổ chức cho cộng đồng và tuyên truyền về các quy định cấm khai thác những loài động thực vật bị đe dọa của vùng.

Năm 2023, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tổ chức  nhiều đợt tuyên truyền cho 5 thôn, làng, các trường học về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho cộng đồng.

Nhiều năm nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ đam mê du lịch trải nghiệm. Ban quản lý đã định hướng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển du lịch cũng giúp người dân sinh sống có thêm kinh tế phục vụ khách du lịch, từ đó họ nâng cao nhận thức phát triển bền vững từ rừng.

Ngoài ra, thông qua hoạt động du lịch sẽ tuyên truyền cho du khách về bảo tồn sinh học, không mua bán các sản phẩm liên quan tới động, thực vật quý hiếm, trang sức bằng bộ phận của động vật như móng vuốt, răng lợn rừng… từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phòng chống tội phạm đa dạng sinh học.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV