Quán cà phê Bar Il Sant’Andrea là một trong những biểu tượng cho sự sống động tại thị trấn Orvieto, ngôi nhà của hơn 4.000 người dân tại miền trung Italia. Vào những buổi sáng thường nhật, tại quán này sẽ rất náo nhiệt với nhiều khách uống cà phê và tán gẫu, hay ngồi đọc tin tức.

Tuy nhiên, kể từ khi lệnh giới nghiêm được áp đặt trên toàn quốc gia này, chỉ có một số ít khách tới quán này “Hãy nghĩ như sau. Vào hôm Chủ nhật, quán có năm nhân viên làm việc. Hôm nay (10/3), có mỗi mình tôi”, The Guardian trích lời nhân viên phục vụ quán Francesco Maggi nói.

Trước đó, vào ngày 9/3, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã kêu gọi 60 triệu công dân nước này hãy “ở nhà”, trong khi chính phủ đưa ra các biện pháp chưa từng có trong thời bình, nhằm kiềm chế virus Covid-19 đang hoành hành tại châu Âu.

{keywords}
Nhiều chợ ở Italia vắng vẻ do dịch bệnh bùng phát. Ảnh: AP

Tại thị trấn Orvieto vốn có nguồn doanh thu chủ yếu tới từ du lịch, không như các vùng khác ở Italia, nơi đây hoàn toàn không có bóng dáng của sự hoảng loạn. Người dân vẫn đi lại, một số người thì đeo khẩu trang y tế hoặc quấn khăn quàng quanh miệng.

“Mọi người đang chấp hành lệnh một cách nghiêm túc. Họ ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu có việc cần thiết. Nhưng tôi rất lo lắng cho tương lai của thị trấn Orvieto nhỏ bé, bởi phần lớn dân cư ở đây sống nhờ vào du lịch. Nếu mùa du lịch không bắt đầu trong một tháng nữa, thì chúng tôi sẽ không có mùa du lịch trong năm nay”, thợ giày Federico Badia sống ở Orvieto nói.

Một số người thì lại tỏ ra bối rối vì lệnh cách ly. “Khá là bối rối. Bạn phải ở nhà, nhưng bạn lại có thể tới quán bar. Việc giao thông đi lại vẫn hoạt động, nhưng bạn không được đi dâu cả”, công dân Mỹ Toni DeBella nói.

Theo các quy định cách ly do chính phủ Italia đưa ra, tất cả các hình thức tụ họp đông người nơi công cộng, bao gồm cả sự kiện thể thao, đám cưới hay đám tang đều bị cấm. Các nhà hát, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng tập gym, các spa đều phải đóng cửa. Chỉ có các quán bar hoặc nhà hàng là có thể mở cửa, nhưng giới hạn từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối. Việc đi lại cần tránh, trừ khi “có những tình huống công việc hoặc các lý do về sức khỏe khẩn cấp”.

“Đây không phải là phong tỏa hoàn toàn như ở Trung Quốc. Vẫn có những ‘khoảng trống’ để người dân đi lại khi có những nhu cầu cấp bách. Chúng ta cần hạn chế việc lây nhiễm ở mức tối thiểu, không chỉ vì tỷ lệ tử vong mà còn bởi vì tác động tới hệ thống y tế là vô cùng lớn. Các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt đang dần bị lấp đầy giường bệnh, và nếu như ai đó bị đột quỵ hoặc đau tim, thì họ sẽ không được điều trị”, cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi nói.

Cuộc sống tại nhiều thành phố lớn như Rome, Milan, Venice dường như chững lại. “Bạn có thể thấy sự khác biệt của Rome trong hôm qua và ngày hôm nay. Rất là yên tĩnh. Với kiểu tình hình này, cần phải có trách nhiệm công dân và hình phạt với ai không ủng hộ các quy định”, nhân viên tư vấn Sabina Colombo nói.

{keywords}
Nhiều nhà hàng, nơi tụ tập thường tụ tập đông người, tại Italia vắng vẻ vì dịch bệnh. Ảnh: AP

Ở vùng Campania miền nam Italia hôm 9/3 đã ghi nhận số ca nhiễm là 126. Ngay sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, dân chúng đã ùa tới các siêu thị trong vùng. Tới sáng 10/3, các đường trong thành phố Palermo gần như tĩnh lặng, trái ngược với quang cảnh tại các siêu thị và hiệu thuốc, khi nhiều dòng người kéo dài tới mua các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và chất tẩy trùng.

Sự căng thẳng, bối rối, lo ngại về virus Covid-19 và các lệnh giới nghiêm đã hiện hữu. “Tôi đeo khẩu trang lần đầu tiên vào sáng nay, và thấy nhiều người khác cũng đeo chúng. Những gì chúng tôi thấy trên TV ngày hôm qua đã xuất hiện ở đây ngày hôm nay”, cô Federica Montalba nói.

“Tôi không sợ nhiễm virus, nhưng tôi sợ lây cho người thân của mình. Tôi đã không gặp họ kể từ khi thành phố Palermo xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Điều khiến tôi lo lắng nhất chính là sự coi nhẹ tình hình của mọi người. Một số người không hiểu rằng, Italia đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp, và họ tiếp tục coi như không có chuyện gì xảy ra”, cô nói thêm.

Tuấn Trần