Trang quân sự Mil.in.ua dẫn lời một sĩ quan quân đội Ukraine giấu tên nói hôm 2/4 rằng, các lực lượng vũ trang Kiev đã dùng tên lửa đạn đạo Tochka-U để tấn công vào nhà máy chế biến kim loại màu AZOM, nơi quân đội Nga và các binh lính thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner gần đây giành được quyền kiểm soát, nằm trong địa phận thành phố Bakhmut. 

Cảnh nhà máy AZOM tại Bakhmut, Ukraine bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo. Ảnh: Mil.in.ua 

“Ngay sau khi quả tên lửa Tochka-U đầu tiên bắn trúng khuôn viên nhà máy AZOM, chúng tôi đã bàn bạc về việc sử dụng thêm một quả tên lửa nữa. Đồng thời, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng còn khá nhiều binh sĩ đối phương có mặt ở đó”, người này cho hay.

Theo video do Mil.in.ua đăng tải, một nhóm sĩ quan Ukraine đã kinh ngạc sau khi chứng kiến hình ảnh được máy bay không người lái hoạt động tại Bakhmut ghi lại cảnh quả tên lửa bắn trúng nhà máy AZOM.

Video: Mil.in.ua

Hiện quân đội Nga chưa đưa ra bình luận về những hình ảnh và thông tin được truyền thông Ukraine công bố.

Mỹ từ chối chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine  

Tờ The Hill hôm 2/4 dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Mark Milley trả lời phỏng vấn nói rằng, lý do Washington không thể gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) MGM-140 cho Ukraine là bởi nước này cần duy trì lượng vũ khí trong kho hậu cần.

“Tôi sẽ không đưa ra dự đoán về việc loại vũ khí nào sẽ được Mỹ xem xét gửi tới Ukraine trong tương lai gần. Nhưng xét từ quan điểm quân sự, Mỹ chỉ có một số tên lửa ATACMS, nên chúng tôi cần đảm bảo việc duy trì khí tài trong kho của riêng mình”, ông Milley nói. 

Ông Milley sau đó cũng bày tỏ lo ngại về việc kho vũ khí dự trữ của Mỹ cạn kiệt là một “yếu tố ảnh hưởng tới những quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc viện trợ khí tài cho Ukraine”. 

Theo The Hill, Chủ tịch JCS vào giữa tháng Ba khi tham gia điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cũng từng cảnh báo về việc Mỹ sẽ thiếu hụt khí tài “nếu xảy ra xung đột với một cường quốc nào đó ở thời điểm hiện tại”.