Dấu mốc tỷ USD

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận doanh nghiệp đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động đạt mốc lợi nhuận tỷ USD. Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) công bố lợi nhuận năm 2019 đạt 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Cũng trong năm 2019, nhiều thêm một doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tỷ USD khác là CTCP Vinhomes (VHM). Đây là một công ty con, quản lý mảng bất động sản (BĐS) của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Trong năm 2018, Vinhomes là quán quân về lợi nhuận trước thuế đạt trên TTCK với 19,6 ngàn tỷ đồng. Trong 9 tháng 2019, con số này là 21 ngàn tỷ đồng và năm 2019, Vinhomes đạt lợi nhuận 24.206 tỷ đồng.

{keywords}
Lợi nhuận của Vietcombank tăng vọt trong các năm gần đây và trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên TTCK ghi nhận lợi nhuận tỷ USD.

Mức tăng trưởng của Vietcombank và Vinhomes được xem là cực kỳ ấn tượng. Trong năm 2018, Vietcombank ghi nhận tốc độ tăng lợi nhuận lên tới 62% so với 2017. Và trong năm 2019, con số đó cũng đạt 26%.

Trong khi đó, Vinhomes tăng trưởng bùng nổ. Dòng tiền từ các đại dự án như Vinhomes The Harmony, Vinhomes Imperia, Vinhomes Dragon Bay, Vinhomes Star City Thanh Hóa, Vinhomes Skylake, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Ocean Park,... giúp doanh thu và lợi nhuận liên tục gia tăng.

Trong khoảng 2 năm gần đây, khối các ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận. Hàng loạt ngân hàng đã gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ đồng với những cái tên như Agribank, Vietinbank, BIDV và nhiều khả năng là Techcombank, VPBank và MBBank.

Vinamilk cũng là một cái tên sáng giá trong danh sách các doanh nghiệp hướng tới mốc lợi nhuận tỷ USD. Doanh nghiệp của bà Mai Kiều Liên có lợi nhuận tích lũy lên tới trên 11 ngàn tỷ đồng và đang dẫn đầu thị trường toàn quốc với khoảng 55% thị phần sữa nước, 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc.

Ở khía cạnh doanh thu, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã cán mốc tỷ USD. Theo một báo cáo của Forbes gần đây, bảy ông lớn tỷ USD Việt Nam top dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những cái tên quen thuộc: Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Techcombank và Vingroup.

{keywords}
Đại gia Việt kiếm lời tỷ USD, lên tầm cao mới, khát vọng lớn hơn.

Masan Group không phải là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất nhưng được xếp top đầu trong các đế chế tỷ USD Việt. Mặc dù vậy, doanh nghiệp Việt nổi bật nhất được nhắc đến là Vingroup của tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Theo Forbes Asia, tài sản của tập đoàn kinh doanh đa ngành khổng lồ Vingroup tiếp tục được đa dạng hóa, giúp doanh thu của Vingroup tăng 36% lên 122.000 tỷ đồng trong năm 2018.

VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được nhắc tới ở vị trí nổi bật. VJC đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình khi trở thành hãng hàng không cung cấp dịch vụ cho khoảng 23 triệu hành khách trong năm 2018, chiếm 46% thị phần của thị trường hàng không đang phát triển của Việt Nam.

Dồn tiền tính chuyện lớn

Với dư địa phát triển còn nhiều cùng với kế hoạch tăng vốn và cú hợp tác với đại gia bảo hiểm ngoại cuối 2019 vừa qua, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 khá ấn tượng, tăng 15% lên mức 26,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,15 tỷ USD). Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên đặt kế hoạch lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, mà động lực tăng trưởng chính là bán lẻ và ngân hàng số và khả năng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Kế hoạch của Vietcombank cũng nằm trong định hướng của Chính phủ đến năm 2025 sẽ có ít nhất 2-3 ngân hàng trong top lớn nhất châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết trên TTCK nước ngoài.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng Vietcombank đang đi đúng hướng và yêu cầu ngân hàng này phải phấn đấu hơn nữa để đứng vào top 100 ngân hàng về quy mô tổng tài sản trong khu vực châu Á.

{keywords}
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng muốn Vietcombank lọt top 100 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

CTCK BSC cũng vừa đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng ngành ngân hàng năm 2020 nhờ môi trường kinh doanh tại Việt Nam ổn đinh, GDP được duy trì ở mức cao, lạm phát được kiểm soát  tốt và độ mở kinh tế cao nhờ các hiệp định thương mại vừa ký kết như EVFTA, CPTPP.

Trong khi đó, Ngân hàng JPMorgan của Mỹ cũng coi các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á với nhận định kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng sinh lời đáng kể là một điều hiếm thấy và đặt cược lớn vào Vietcombank, Techcombank và ACB,...

Vinhomes tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường BĐS Việt Nam và trở thành công ty có vốn hóa lớn thứ hai thị TTCK, chỉ sau công ty mẹ - Tập đoàn Vingroup. Cùng với quyết định lấn sang mảng công nghệ của tập đoàn mẹ, Vinhomes cũng đưa nhiều dịch vụ thời 4.0 vào các sản phẩm của mình, từ nhà thông minh (smarthome) cho đến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho cư dân khu đô thị.

Tại ĐHCĐ 2019, bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch HĐQT Vinhomes - người thay ông Phạm Nhật Vượng cho biết công ty sẽ tìm kiếm mở rộng các dự án tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Điều này có nghĩa là Vinhomes sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất của mình cho sự phát triển của nhiều nhiều năm sau nữa.

{keywords}
Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu lợi nhuận trên TTCK.

Vinamilk cũng đang hướng tới những đỉnh cao hơn. Doanh nghiệp này hiện chiếm khoảng 60% thị phần và đặt mục tiêu mỗi năm chiếm thêm 1% bởi còn dư địa 40% để tăng trưởng.

Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Dự kiến, Vinamilk sẽ nâng tổng đàn bò lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.

Gần đây, việc Vinamilk thâu tóm GTN Foods (GTN), đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu được xem là một bước đi để gia tăng lượng sữa xuất khẩu, tấn công vào thị trường 60 tỷ USD của Trung Quốc.

Với những bước đi đột phá trong 2019, nhiều khả năng Vinamilk sẽ là doanh nghiệp tiếp theo sớm đạt lợi nhuận tỷ USD.

Còn Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài là cái tên sáng giá cho tham vọng đạt mốc doanh thu 10 tỷ USD. Trong 2019, MWG nhiều khả năng sẽ hoàn thành mức doanh thu 4,6 tỷ USD, vượt mức lợi nhuận ròng dự kiến 150 triệu USD và tiếp tục là chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa lớn nhất trên cả nước.

MWG đang tiến rất gần đến mục tiêu 10 tỷ USD bằng việc mở rộng rất nhanh lĩnh vực kinh doanh như Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh vốn là những chiếc bánh lớn, thị trường còn mới mẻ, rất phù hợp cho một DN như MWG.

Với ông Nguyễn Đăng Quang, tại ĐHCĐ 2019, đại gia này đặt mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD vào 2022, tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam. Cột mộc này có thể đạt được sớm hơn sau thương vụ Masan mua mảng bán lẻ của Vingroup.

Với những dấu ấn chưa từng có, từ cột mốc tỷ USD về tài sản, rồi vốn hóa, doanh thu và giờ đây là mốc lợi nhuận tỷ USD, các doanh nhân Việt có lẽ đang cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Họ đang đặt ra những mục tiêu cao hơn, tham vọng lớn hơn, không chỉ là dẫn đầu các ngành kinh tế trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Giới đầu tư đang nhìn thấy những ngân hàng tầm cỡ khu vực như Vietcombank, Techcombank, những đế chế bán lẻ tầm cỡ khu vực như Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài, Vinmart của ông Quang - Vượng, Vinfast của tỷ phú Vượng, những hãng hàng không lớn có sức cạnh tranh quốc tế như VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hay một đế chế nông nghiệp đang hình thành trong khu vực với nòng cốt là Thadi (thuộc Thaco) của ông Trần Bá Dương và hai doanh nghiệp khác là Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức và Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh.

Những bước tiến đột phát trong những năm gần đây rõ ràng đã giúp Việt Nam có được những doanh nghiệp quy mô vươn tầm khu vực và đang sẵn sàng vươn ra thị trường quốc tế, thay vì mon men ở sân nhà, thua kém hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài.

M. Hà