- Những lát cắt dấu ấn của các thành viên Chính phủ vừa miễn nhiệm được xã hội, nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Thấm thía hòa bình và nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Kỳ họp QH cuối năm 2014 - cũng là năm TQ ngang nhiên đưa giàn khoan 981 cắm thẳng vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH về kế sách bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Nhấn mạnh nỗ lực giải quyết những bất đồng với TQ về vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, Thủ tướng cho hay kế sách: "Vừa hợp tác vừa đấu tranh" với nước láng giềng.

XEM CLIP:

Khi TQ đem giàn khoan vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN hồi tháng 5/2014, khi đang ở thăm chính thức Philippines, trả lời báo chí quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ khẳng định:

“VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Tại kỳ họp QH cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nêu 4 nhóm vấn đề trên Biển Đông mà VN phải giải quyết và khẳng định chủ quyền. Trong đó, nhấn mạnh VN phải giải quyết khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, TQ năm 1956 đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo. Năm 1974 tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Bộ trưởng ‘lấy đá ghè chân’

Sự quyết liệt về tinh thần đổi mới, cải cách, đặc biệt đẩy hệ thống buộc phải vào cuộc theo tinh thần minh bạch, không chạy chọt, tham nhũng trong đầu tư công của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khiến một quan chức cấp dưới phải thốt lên: Ông đã tự ‘lấy đá ghè chân’ mình.

XEM CLIP:

Tinh thần của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khiến dư luận xã hội ước mong ngày càng có nhiều bộ trưởng lấy đá ghè chân mình.

Trả lời báo chí khi sắp về nghỉ hưu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, là tư lệnh ngành, ông thấm thía “để đổi mới không tránh được những đụng chạm tới lợi ích ngành này, ngành kia, cá nhân ai đó”.

Trưởng ngành vượt bão

Khi nhậm chức, ông từng nói với Thủ tướng: “Nhiệm kỳ Thống đốc của em có thể chỉ là 3 tháng, nếu em vượt qua được 3 tháng đầu tiên thì em sẽ làm được cả nhiệm kỳ”.

{keywords}
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Đại hội Đảng 12, ngày 28/1/2016. Ảnh: Phạm Hải

Ông Nguyễn Văn Bình gánh “di sản” khởi đầu nhiệm kỳ: Kinh tế lạm phát lên mức 18,13%, lãi suất cho vay tới 20-25%/năm, mất cân đối cơ cấu tín dụng khi một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán; lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên đến trên 30%/năm, tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ, tình trạng 2 tỷ giá phổ biến…, đặc biệt đáng sợ nhất là nợ xấu tăng cao, có thời điểm lên tới 17,2%.

QH bỏ phiếu đầu nhiệm kỳ ông là trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất trong Chính phủ. Nhưng đó là cơ hội để cả ngành ngân hàng phải phấn đấu. Ở lần bỏ phiếu sau, ông vượt lên top 3 trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong Chính phủ.

Hiện đại hóa Quân đội nhân dân VN

Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, những nỗ lực hiện đại hóa Quân đội nhân dân VN là đáng kể, trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn eo hẹp.

Hải quân, phòng không không quân, tác chiến điện tử được đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước, nâng cao khả năng tự vệ trong bối cảnh mới.

XEM CLIP:

Những chiếc tàu ngầm đầu tiên đã về cảng biển VN trong nỗ lực hình thành một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài được trang bị mới, nâng cấp hiện đại phục vụ cho mục tiêu tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền.

Vai trò của Quân đội nhân dân VN trong nỗ lực duy trì hòa bình trên vùng biển chủ quyền, trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông leo thang là một dấu ấn nổi bật.

{keywords}

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khi đến Đối thoại Shangri-La từng nhấn mạnh: Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lý căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng kiềm chế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi hoạt động…

Ông cũng từng nhắc nhở toàn quân: "Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, là tất cả, mất chủ quyền biển, đảo cũng đồng nghĩa với mất đi phần máu thịt, hương hỏa ông cha ta để lại, là chúng ta có tội với tổ tiên, lịch sử dân tộc".

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong các phát ngôn luôn nhất quán đường lối đối ngoại tự chủ, độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, không đi với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đóng góp ổn định chung của khu vực cũng như của thế giới.

Cơ chế mới cho báo chí lành mạnh

Trong nhiều nội dung quản lý của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dành tâm huyết cho việc chỉ đạo xây dựng nhiều bộ luật quan trọng, trong đó có luật Báo chí và luật An toàn thông tin mạng để trình QH xem xét, thông qua.

{keywords}
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son tại QH tháng 11/2015. Ảnh: Hoàng Long

Có một thực trạng đó là hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí dựa vào ngân sách. Nhiều báo nhà nước cấp tiền in, khi ra báo nhà nước lại bỏ tiền mua chuyển đến các đơn vị. Việc quy hoạch báo chí để ngày càng gọn và chất lượng trở thành một trong những mảng việc lớn của nhiệm kỳ Bộ trưởng.

Theo đó, việc quy hoạch nhằm đảm bảo quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng - tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống báo chí: lành mạnh về nội dung, tinh gọn về đầu mối, số lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới.

Quyết liệt thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông

5 năm qua, những công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành khiến diện mạo giao thông tại nhiều thành phố lớn đã có bước thay đổi vượt bậc… Kết quả chung là của cả hệ thống chính trị, trong đó phải kể đến dấu ấn quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh  La Thăng.

Bộ GTVT đã tập trung lực lượng có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư dứt điểm những công trình và hạng mục trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ngành vận tải, sớm đưa các công trình vào sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}

Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc Tết Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tối 18/2/2015. Ảnh: Phạm Hải

Có thể kể đến tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, 700km đường cao tốc cũng được hoàn thành: TP. HCM - Trung Lương, Nội Bài - Lào Cai, Nội Bài - Nhật Tân...

Bộ trưởng Đinh La Thăng với vai trò tư lệnh ngành mang phong cách quyết liệt, truy trách nhiệm cá nhân, nỗ lực cho kết quả chung.

Linh Thư - Hồng Nhì