Theo AP, trong ngày 19/6, các nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chính thức thông qua "Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia" (BBNJ), hay còn gọi là "Hiệp định Biển cả". Đây là văn kiện thứ 3 thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hiệp định này sẽ tạo ra một cơ quan mới nhằm quản lý việc bảo tồn sự sống ở đại dương và thiết lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế. Bên cạnh đó, hiệp định cũng thiết lập các quy tắc cơ bản để đánh giá tác động môi trường bởi các hoạt động thương mại và các nguyên tắc chia sẻ "nguồn gen biển" cho mục đích khoa học.

"Đại dương là nguồn sống của Trái Đất. Việc Hiệp định Biển cả được thông qua đã tiếp thêm sức sống và hy vọng cho đại dương", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP

Ông Guterres nhấn mạnh, việc thông qua hiệp định được tiến hành tại thời điểm quan trọng, khi các đại dương phải đối diện với nhiều nguy cơ. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia nhanh chóng ký và phê chuẩn hiệp định sớm nhất có thể nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với đại dương.

"Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy đại dương, làm tăng nhiệt độ nước biển, khiến hệ sinh thái biển bị biến đổi. Nhiều loài sinh vật biển bị đe doạ bởi hoạt động đánh bắt quá mức và tình trạng axit hoá đại dương", ông Guterres nói thêm.

Theo AP, hiệp định này được thông qua sau gần 20 năm thảo luận và đàm phán. Hiệp định Biển cả đã được các luật sư và dịch giả của LHQ nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo ra các bản dịch khớp với 6 ngôn ngữ chính thức của cơ quan này.

Vào ngày 20/9, hiệp định sẽ được thảo luận tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ. Nếu được 60 quốc gia phê chuẩn, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.