>> Bài 1: Phải có doanh nghiệp mạnh để quốc gia vươn tới thịnh vượng

Nhân ngày Doanh nhân 13/10, Tuần Việt Nam tiếp tục thảo luận với TS Trần Đình Thiên về những cơ hội để phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Thời nào cũng có thách thức và cơ hội

Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần xây dựng lực lượng DN dân tộc, trong đó có các tập đoàn mạnh làm trụ đỡ. Có phải ông muốn tham khảo các mô hình phát triển ở các quốc gia Đông Bắc Á?

Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển ban đầu tập trung cho 2 tập đoàn nhà nước là Posco và công ty Phát triển nhà Hàn Quốc (Coland). Trong khi Coland chuyên phát triển các quỹ đất, khu công nghiệp, đô thị thì Posco chuyên về thép, tạo nền tảng cho ngành đóng tàu, ô tô. Rồi sau đó họ phát triển thêm Samsung hướng tới công nghệ cao. Những tập đoàn đó phát triển các xương sống cho nền kinh tế.

Còn về Nhật Bản thì không thiếu bài học. Hồi họ bắt đầu làm xe hơi, người ta cho rằng Nhật Bản không thể phát triển công nghiệp ô tô được. Thực tế là một số hãng đã 7 lần thử làm ô tô mà không thành công, nhưng rồi họ phát triển ngành ô tô hàng đầu thế giới.

Nhật Bản bắt đầu công nghiệp đóng tàu muộn hơn Hàn Quốc và nhiều người cảnh báo, làm sao phát triển được công nghiệp đóng tàu vì ngành này đã rất phát triển ở Hàn Quốc. Nhưng Nhật Bản vẫn nhập thép từ Na Uy về làm và thành công.

TS Trần Đình Thiên: Cần đảm bảo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để sống sót, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà.

Thời nào cũng có thách thức và cũng có cơ hội. Việt Nam ta cũng thế. Lâu nay tôi hay nói đến việc cần có những tập đoàn lớn như trụ cột của nền kinh tế để họ trở thành đầu chuỗi, không phải hỗ trợ bản thân mà hỗ trợ chuỗi sản xuất của Việt Nam.

Xét về bối cảnh thì Hàn Quốc phát triển những ngành công nghiệp đó những năm 1960, 1970 với sự bảo hộ rất cao khi nền kinh tế thế giới chưa thông suốt như bây giờ. Còn Việt Nam đã tham gia 15 FTAs với thuế nhập khẩu bằng 0. Bối cảnh là khác nhau chứ, thưa ông?

Thời đó, những nước đang phát triển được lợi thế về thuế quan. Nhật Bản và Hàn Quốc rất nỗ lực và khôn ngoan khi tập trung vào các ngành thúc đẩy xuất khẩu. Thị trường thế giới rộng lớn hơn bất kì quốc gia nào và họ tham gia từ rất sớm. Hàn Quốc chỉ có thị trường quốc tế, họ cũng không có tài nguyên gì nên tập trung vào phát triển con người, phát triển một xã hội kỷ luật, có sức mạnh tích hợp cộng hưởng với nhau.

Còn Việt Nam bây giờ nhiều thuận lợi hơn dù chúng ta đi sau. Luồng vốn quốc tế bây giờ dễ tiếp cận hơn ngày xưa nhiều. Ngày xưa Hàn Quốc nghèo khó như thế mà họ còn đi lên được, giờ chúng ta có GDP cũng gần 400 tỷ USD, có phải ít đâu!

Việt Nam từng học Nhật Bản, Hàn Quốc chọn phát triển các tập đoàn kinh tế. Đáng tiếc là chúng ta lại chọn theo nguyên tắc dễ làm khó bỏ nên chọn ngay tập đoàn nhà nước. Lẽ ra, trụ cột là các tập đoàn lớn, có cả tập đoàn tư nhân, trên nền tảng cạnh tranh và không gian phát triển là hướng ra quốc tế.

Xây dựng các chuỗi giá trị Việt Nam

Về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Việt Nam bắt đầu từ đầu chuỗi. Xin lấy ví dụ tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương. Họ có tinh thần tự lực, tự cường kinh khủng. Chuỗi của họ cơ bản bây giờ chắc một nửa là nằm ở nước ngoài, một nửa tạo ra ở Việt Nam và từ số 0. Ông Dương đã kiên trì trong mấy chục năm mới có một chuỗi công nghiệp chứ không làm ra trong ngày một ngày hai. 

Nếu người Việt Nam đi sau, sốt ruột, lại làm theo tinh thần “dễ làm khó bỏ” thì không bao giờ xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ. Câu chuyện của Thaco là đặc biệt quý giá, chứng tỏ DN tư nhân có thể phát triển công nghiệp ô tô được. Hãy nhìn xem, có DN xây sân bay quốc tế chỉ trong vài năm, điều mà đầu tư công không thể làm được.

Trước đây, khi Trung Quốc tập trung sản xuất robot, nhiều người nói lựa chọn này là không đúng, là nhạy cảm vì chế tạo robot để thay thế người lao động. Nhưng Trung Quốc chế tạo robot để bán cho thị trường thế giới, chứ có phải chỉ cho thị trường nội địa đâu. Tôi thử đặt vấn đề, DN Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp sản xuất robot để bán ra toàn cầu không? DN chúng ta làm được quá đi chứ, nếu chúng ta có giấc mơ, có hành động, có các chính sách cần thiết đi kèm.

Nền tảng tốt cho DN tồn tại

Trong các cuộc thảo luận gần đây, ông thiên về việc cần tăng dư địa cho chính sách tiền tệ để giúp thanh khoản cho DN Việt Nam. Vì sao vậy?

Có nhiều lập luận rằng, nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô đang ổn định thì không nên tăng tín dụng vì rủi ro gây nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những cái tốt đó cần được tách bạch ra.

Rủi ro lớn nhất là thanh khoảnGần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đề cập đến việc nới lỏng room tín dụng. Tuần Việt Nam trò chuyện với ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN.Xem ngay

Chúng ta tăng trưởng tốt, xuất nhập khẩu tốt, thu hút vốn FDI tốt, thế giới nghiêng mình thán phục, nhưng những cái tốt đó đều liên quan trực tiếp đến khu vực ngoại, là của khu vực FDI chứ không phải DN Việt Nam. Thanh khoản đang là vấn đề đại sự đối với tuyệt đại đa số DN Việt Nam, họ cần tiền để tồn tại sau những dư chấn quá lớn của chống Covid-19.

Cho nên, tăng trưởng tín dụng phải tính toán, cân nhắc từ góc độ, lợi ích của DN Việt Nam. Trong bối cảnh khu vực FDI gần như tách biệt với nền kinh tế Việt Nam, lẽ ra cần phân tích khu vực nội để điều hành chính sách chứ không phải phân tích khu vực kinh tế nói chung.

Nếu chúng ta thỏa mãn với những lời khen ngợi thì sẽ rất khó cho khu vực nội địa. Cái khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam là khô khát về tài chính, về dòng tiền.

Cách tiếp cận kinh tế vĩ mô không phải chỉ lạm phát. Hiện nay ta mới quan tâm đến lạm phát theo nghĩa lạm phát càng thấp thì càng ổn định mà không biết chắc lạm phát thấp có phải ổn định hay không. Tôi cho rằng, giữ ổn định vĩ mô cần có sức khoẻ của DN, thể hiện qua nợ xấu. Chỉ số lạm phát còn phụ thuộc theo tình thế, chứ không phải cứ lạm phát thấp là hay. Nền kinh tế đang yếu cần mức lạm phát khác, nền kinh tế đang tăng trưởng thì cần lạm phát khác.

Chính phủ đã ra nhiều gói hỗ trợ, đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Ông nhận xét thế nào?

Hôm họp với Thủ tướng, ông có nhấn mạnh một ý rất tốt là lần hỗ trợ này thiên về tài khoá là chính. Tôi cho rằng, lúc này cần thực hiện nguyên tắc chi tiêu ngân sách ngược chu kỳ. Chúng ta miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, chúng ta đối diện với áp lực phải tiếp tục tăng lãi suất vì lãi suất thế giới tiếp tục tăng và áp lực tỷ giá. Nhưng tăng tiếp thì lãi suất của Việt Nam quá cao, các DN không chịu nổi nên cần cân nhắc hỗ trợ tiếp lãi suất.

Hiện nay có 3 kênh dẫn vốn ra thị trường. Thứ nhất là kênh đầu tư công và gói phục hồi kinh tế. Đáng lẽ giải ngân phải làm tốt hơn vì có hàng trăm ngàn tỷ đồng chứ có ít đâu. Cần công phá vào kênh này để vốn ra với DN, đất nước có thêm công trình giao thông, hạ tầng cho phát triển dài hạn.

Thứ hai là kênh ngân hàng thì đang đối diện với lãi suất tăng, trần tín dụng... Thứ ba là kênh trái phiếu và cổ phiếu. Mọi việc đang phát triển theo hướng tốt lên để DN không phụ thuộc duy nhất vào nguồn vốn ngân hàng thì cách ứng xử vừa qua khá vụng về.

Chúng ta vẫn khẳng định kiểm soát tốt lạm phát, nhưng cũng phải đảm bảo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vốn để sống sót, vượt qua giai đoạn khó khăn này đã. Chỉ nhìn vào những điểm sáng như tăng trưởng cao, lạm phát thấp có khi che lấp đi những khó khăn chồng chất của DN.

Vì sao cần bỏ trần tín dụng?Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Phạm Xuân Hòe, trong khi nhu cầu vốn đang rất cần sau 2 năm dịch bệnh thì hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ, đạp phanh vào nỗ lực phục hồi kinh tế.