Mới đây, ông Tôn Quốc Đình ở Hà Nam, Trung Quốc đã có buổi chia sẻ với truyền thông về chuyện bị một người đàn ông cùng làng mạo danh gần 30 năm. 

Trước đó, ông Đình là giáo viên dạy Toán tại một trường tiểu học trong làng, trong suốt 12 năm. Sau đó, ông còn giữ chức hiệu trưởng. Đến năm 1988, vì vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình khi sinh con thứ 2 (để kiểm soát dân số, đầu năm 1980, Trung Quốc ban hành chính sách mỗi gia đình chỉ sinh 1 con), ông chủ động xin nghỉ việc và từ chức hiệu trưởng.

Sau khi từ chức, năm 2003, ông Đình xin việc ở nơi khác, phải dùng chứng minh thư đến đồn cảnh sát xin giấy phép tạm trú. Lúc này, ông nhận ra hộ khẩu của gia đình là "hộ khẩu ma" vì đã bị người khác làm giả để sử dụng.

Trường tiểu học nơi ông Tôn Quốc Đình từng làm việc trước đây. Ảnh: Sohu.

Không có hộ khẩu, ông Đình chỉ làm việc vặt trong nhà suốt 10 năm. Đến năm 2013, người này mới được làm lại hộ khẩu. Cảnh sát thông báo, hộ khẩu nhà ông Đình bị người khác chiếm dụng.

Ông chia sẻ, người chiếm dụng hộ khẩu của gia đình tên Trần Song Thành ở cùng làng. Khi chiếm dụng hộ khẩu, ông Thành thay ông Đình nhậm chức hiệu trưởng trường và đổi tên mình thành Tôn Quốc Đình.

Trả lời truyền thông, ông Trần Song Thành cho biết: “Tôi chỉ dùng tên Tôn Quốc Đình khi làm việc”. Nói về lý do chiếm dụng hộ khẩu, ông Thành trả lời: “Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, trường tiểu học của làng có điều chỉnh lại đội ngũ giáo viên và không nhận thêm biên chế. Thời điểm đó, Tôn Quốc Đình nghỉ việc, nên tôi dùng tên này để bắt đầu công việc và dạy học”.

“Năm 1995, tôi phải tham gia kỳ thi một kỳ thi, sau khi trúng tuyển phải làm hộ khẩu. Lúc đó, hồ sơ của tôi đều đứng tên Tôn Quốc Đình, nên tôi đã đến đồn cảnh sát để đăng ký hộ khẩu dưới tên này. Chứng minh thư tên Trần Song Thành của tôi cũng đã bị hủy bỏ", ông Thành nói thêm.

Năm 2013, ông Tôn Quốc Đình được khôi phục lại hộ khẩu. Nhưng đến năm 2017, Trần Quốc Thành lại đổi hộ khẩu về tên Tôn Quốc Đình. Cũng trong thời gian này, ông Thành đến tuổi nghỉ hưu và đã tìm đến ông Đình để thỏa thuận bồi thường.

Trong thỏa thuận quy định như sau: "Tồn tại việc Trần Song Thành sử dụng tên của Tôn Quốc Đình làm giáo viên. Sau khi nghỉ hưu, Trần Song Thành sẽ gửi cho Tôn Quốc Đình 7.200 NDT/năm (hơn 24 triệu/năm) tiền lương hưu".

Tuy nhiên, ông Đình cho biết ông Thành chỉ đưa 7.200 NDT (hơn 24 triệu) vào năm đầu tiên. Từ đó về sau, ông Thành không đưa cho ông Đình bất kể khoản bồi thường nào.

Giải thích về điều này, ông Thành chỉ nói: “Hiện tại tôi chỉ nhận được hơn 3.000 NDT/tháng (hơn 10 triệu/tháng) tiền lương hưu. Tôi vẫn luôn biết ơn Tôn Quốc Đình. Tôi chưa từng nói sẽ không gửi tiền bồi thường cho ông ấy. 2 năm qua, tôi xây nhà nên phải vay nợ nhiều nơi. Nếu có thể, tôi hy vọng ông Đình có thể giảm số tiền bồi thường xuống".

Sau khi câu chuyện này được chia sẻ trên mạng xã hội, Phòng Giáo dục quận Phù Câu, Hà Nam, Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, cảnh sát và các phòng ban khác đang vào cuộc điều tra về vấn đề này và tình trạng gian lận hộ khẩu.

An Dương (Theo Sohu)