Gần đây, thông tin liên quan đến việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/8 đã khiến nhiều khách hàng dù đã mua xe nhưng vẫn trì hoãn việc đi đăng ký với mong muốn giảm được một số tiền "kha khá". Tuy nhiên, đến ngày 1/8, đã không có bất cứ chính sách nào được ban hành về việc giảm lệ phí này làm nhiều người mua xe trong nước hụt hẫng.

Thời điểm tháng 8 hiện nay gần trùng với tháng 7 âm lịch, còn gọi là tháng Ngâu hay tháng "cô hồn" cũng khiến nhiều chủ xe lăn tăn chưa muốn làm thủ tục đăng ký cấp biển số, dẫn đến việc có những chiếc ô tô dù đã mua 1-2 tháng nay vẫn chưa được "khai sinh".

Xe chờ giảm thuế.jpg
Nhiều xe đã mua từ lâu nhưng chưa đăng ký do chờ giảm lệ phí trước bạ. Ảnh: Otofun

Vậy, việc cố tình chậm đăng ký xe có bị phạt không?

Trao đổi với VietNamNet, Chỉ huy của Đội Đăng ký, quản lý phương tiện (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có quy định xe ô tô mới sau bao lâu phải làm các thủ tục đăng ký, đồng thời cũng chưa có cơ chế xử phạt trong trường hợp này.

Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới (trong đó có ô tô) là phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do vậy, nếu các phương tiện không được đăng ký, gắn biển số mà lưu thông trên đường hoàn toàn có thể bị xử phạt nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Cụ thể, Điều 16 của Nghị định 100 có nêu, với hành vi điều khiển xe không có Giấy đăng ký hoặc không có biển số xe theo quy định, tài xế sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước GPLX 1-3 tháng và còn có thể bị CSGT tịch thu phương tiện. 

csgt tam giu xe o to 15.jpeg
Điều khiển xe ô tô không có Giấy đăng ký, không có biển số ra đường có thể bị CSGT tịch thu xe. Ảnh: Cục CSGT

Ngoài ra, vị đại diện của Phòng CSGT cũng cho biết thêm, với trường hợp chủ xe mới vì một lý do nào đó chưa muốn đăng ký ngay nhưng lại có nhu cầu di chuyển có thể đăng ký để được cấp biển số tạm với thủ tục khá đơn giản qua Cổng dịch vụ công.

Cụ thể, tại Điều 19 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định các bước thực hiện việc đăng ký và xin cấp biển số tạm qua Cổng dịch vụ công quốc gia như sau:

Bước 1: Chủ xe kê khai giấy khai đăng ký xe và gửi đính kèm bản chụp hóa đơn bán hàng hoặc phiếu xuất kho trên Cổng dịch vụ công đối với xe nhập khẩu hoặc xe sản xuất lắp ráp trong nước lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác, xe di chuyển đi địa phương khác, xe tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam;

Trường hợp gia hạn chứng nhận đăng ký xe tạm thời thì chủ xe kê khai giấy khai đăng ký xe tạm thời trên Cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe.

W-bien so tam i10.jpg
Chủ xe có thể đăng ký biển số tạm để di chuyển trong thời gian chưa đăng ký cấp biển số chính thức. Ảnh: Hoàng Hiệp

Bước 2: Sau khi kiểm tra hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe thông báo cho chủ xe để nộp lệ phí theo quy định; chủ xe nhận kết quả xác thực và in chứng nhận đăng ký xe tạm thời trên Cổng dịch vụ công.

Thời hạn giải quyết đối với việc cấp chứng nhận đăng ký xe tạm thời (thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình) là trong 08 giờ làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên Cổng dịch vụ công.

Trường hợp cấp chứng nhận đăng ký xe tạm thời, biển số tạm thời (thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần) là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!