Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu cá tra trong tháng 7/2022 ước đạt 232 triệu USD. Lũy kế 7 tháng năm nay, con cá tra của Việt Nam thu về gần 1,6 tỷ USD, tăng 83,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Con số trên cũng là doanh thu cao nhất trong lịch sử xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đồng thời giúp ngành này hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022 trước 5 tháng.

Ảnh: Hoàng Hà

Trước đó, ở Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra vào cuối tháng 2 năm nay, Bộ NN-PTNT tính toán, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong nửa đầu năm nay, thị trường Trung Quốc và Mỹ chiếm tới 55% xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 25% với 356 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần; còn Trung Quốc chiếm 30% với gần 428 triệu USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở các thị trường khác, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cá tra đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2-3 con số. Đơn cử, xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng 81%, sang Thái Lan tăng 90%, sang Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109%...

Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ năm 2021; sang thị trường Mỹ đạt mức giá 4,66 USD/kg, tăng 60% cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28–66%.

VASEP nhận định, giá trung bình xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính giúp cho giá trị xuất khẩucá tra đột phá ở các thị trường.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bật tăng như hiện nay do kiểm soát được đại dịch Covid-19, thêm việc nguồn cung thiếu hụt nên năm 2022 sẽ "rất vi diệu", giúp toàn ngành cá tra đều có lời.

Hiện các nhà máy chế biến cá tra đã chạy hết công suất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng nhắm đến các thị trường tiềm năng như Mexico, Ai Cập và Thái Lan.

Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do Covid-19. VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm nay.

Giải bài toán nguyên liệu để thu 2,6 tỷ USD

Hiện Mỹ, Trung Quốc, EU đang có xu hướng giảm nhập, song chuyên gia trong ngành cá tra cho rằng, các thị trường này sẽ đẩy mạnh nhập khẩu vào những tháng cuối năm để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa lễ, Tết. Đây cũng được xem là “mùa vàng” của xuất khẩu thuỷ sản, trong đó có cá tra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải giải được bài toán cá tra nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm.

Giá cá tra nguyên liệu giảm, nhiều người nuôi treo ao (ảnh: Minh Dũng)

Một số doanh nghiệp chế biến cá tra cũng công bố kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu. Đơn cử, Vĩnh Hoàn năm nay mở rộng diện tích nuôi khoảng 100-150 ha nhằm đảm bảo tỷ lệ tự chủ, hướng tới mục tiêu đáp ứng 70% nguyên liệu của công ty.

Ghi nhận của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thuỷ sản, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 7 giảm 2.500 đồng/kg so với tháng trước, dao động trong khoảng 27.500-28.500 đồng/kg cho cá size 0,8-1kg. Các doanh nghiệp có xu hướng bắt chậm lại do từ đầu năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu cá tra rất nhiều cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và thị trường châu Âu .

Chung xu hướng, giá cá tra giống cũng chững giá ở mức 26.000-28.000 đồng/kg cho cỡ 28-35 con/kg, tỷ lệ treo ao sau khi xuất bán của các hộ nuôi cao do giá thức ăn tăng liên tục. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, hiện giá cá tra cỡ 0,8-1 kg/con có thể xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, EU có giá ở mức 28.000-29.000 đồng/kg, còn với cá tra khoảng từ 1,1-1,3 kg/con giá giảm chỉ còn 27.000 đồng/kg. Thế nên, nhiều người nuôi lưỡng lự chậm thả giống.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi cũng như các loại nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng mạnh, chuyên gia cho rằng, người nuôi nên tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác hoặc thành HTX để tổ chức "mua chung, bán chung". Như vậy sẽ rất có lợi về mặt kinh tế khi mua vật tư, nguyên liệu đầu vào và bán cá thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến.

Giá lên đỉnh, thu tiền nhiều nhất lịch sử: Món hàng Việt gặp thời trên đất MỹTăng trưởng đột biến ở tất cả các thị trường, giá bán sang Mỹ lập đỉnh, xuất khẩu cá tra dự báo đạt 2,6 tỷ USD năm 2022 - mức cao nhất trong lịch sử.