- “Bộ phim đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một cộng đồng có thật” – một người đồng tính cho biết.
ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Những người khổng lồ "made in Vietnam"
"Anh nhầm Dow Jones với Đông Gioăng..."
Cô gái mong manh và người chồng mang khuôn mặt đẹp
"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"
Quan niệm của một 9X về sách vở
Scandal của một triết gia
Cảm xúc, trí tuệ... đến từ đâu?
Những tin tức xấu chờ phản ứng của bạn!
Bạn có hài lòng với thông điệp chuyển tải của một số bộ phim đề cập tới cộng đồng người đồng tính như "Hot boy nổi loạn" hay "Chơi vơi" không? Nó có nói lên được tâm tư của những người đồng tính, hoặc "chạm" được vào tâm hồn bạn?
- Cá nhân tôi thấy 2 bộ phim đó đáp ứng một phần mong muốn được chia sẻ với xã hội về vấn đề này thôi. Với "Chơi Vơi", một lần khán giả và những người đồng tính nữ được thấy lại về cảm xúc của mình; còn "Hot boy nổi loạn" cũng gây được tiếng vang.
Bản thân "Hot boy nổi loạn" là một bộ phim giải trí. Nó cần doanh thu. Chính vì vậy, những đòi hỏi, yêu cầu để bộ phim có được doanh thu tốt luôn được đặt lên hàng đầu, như người đẹp, các yếu tố gây shock... vv...
Trong cộng đồng người đồng tính có 2 luồng ý kiến về phim này: 1 bên khen, vì đó là một bộ phim thị trường đầu tiên nói về vấn đề của người đồng tính. Phim cũng nói một cách nghiêm túc chứ không đem người đồng tính ra làm trò đùa. Nhưng 1 nhóm khác lại cho rằng bộ phim khiến nhiều người trong xã hội có cái nhìn tiêu cực, nghĩ rằng người đồng tính thì dễ đi làm "call boy", dễ rơi vào tình trạng tệ hại.
Huỳnh Minh Thảo - nhân vật của buổi trò chuyện |
Cá nhân tôi từng nghe đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ, anh muốn nhắm đến đối tượng người đồng tính đi làm "call boy", chứ không phải tập trung tất cả hình ảnh của người đồng tính trong bộ phim này. Vì vậy, tôi tôn trọng bộ phim và cảm thấy đây là một thiện chí của đạo diễn.
Thời gian gần đây cũng có các phim truyền hình nhắc về vấn đề này, nhưng không đến nơi đến chốn, nhiều lý thuyết suông hoặc bị tiêu cực hóa, như "Phía cuối cầu vồng", hay "Cổng mặt trời". Thường họ sử dụng 2 cách: 1 là đem nhân vật ra làm trò cười, 2 là thê thảm hóa hoàn cảnh của nhân vật - mà chưa thể hiện được khả năng của nhân vật cũng như sự phong phú trong cuộc sống của nhân vật.
Tôi ủng hộ sự tự do trong sáng tác cũng như biên kịch của các đạo diễn. Nhưng tôi mong nếu có thêm các bộ phim về đồng tính, họ sẽ khai thác được các khía cạnh khác nữa, như trong môi trường công việc, bạn bè hay gia đình. Nếu các bộ phim được làm tốt hơn, đúng hơn, sâu sát hơn, thì sẽ có lợi cho cộng đồng người đồng tính cũng như cho xã hội. Mọi người sẽ có được cái nhìn cởi mở, đúng đắn và tích cực.
Vậy phim “Nàng men chàng bóng” thì sao?
- Phim "Nàng men chàng bóng" là một bộ phim có nội dung sai lệch và phản cảm. Phim dựa trên những tình tiết gây cười gượng gạo, phi khoa học. Đưa ra cho xã hội những ảo tưởng về việc thay đổi xu hướng tính dục, thậm chí thay đổi giới là một sớm một chiều, và tất nhiên, điều này là sai hoàn toàn.
Phim còn sử dụng hình ảnh người đồng tính, chuyển giới như một yếu tố gây cười một cách dung tục, thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng của người sản xuất.
Người đồng tính, chuyển giới tại Việt Nam đang khẳng định vai trò tích cực của mình với xã hội, họ sống cởi mở và có ích. Và vì muốn được là chính mình, họ đã phải trải qua rất nhiều những định kiến, kỳ thị thậm chí là những phân biệt đối xử. Bộ phim "Nàng Men Chàng Bóng" là một gáo nước lạnh cho những cố gắng của họ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một cộng đồng có thật. Đi ngược lại với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp về việc bảo vệ quyền lợi của người đồng tính, chuyển giới trong xã hội (*)
Đúng là có 2 xu hướng như bạn nói: người đồng tính trở thành trò cười hoặc bị bi kịch hóa.
- Bạn thấy đấy, người đồng tính cũng có một cuộc sống bình thường như mọi người thôi. Tôi đã từng đi làm tại các công ty truyền thông, ai cũng biết mình là người đồng tính, nhưng công việc vẫn tiến hành trôi chảy, đồng nghiệp vui vẻ. Bản thân tôi chưa bao giờ vỗ ngực tự xưng là người đồng tính, nhưng mình sống thoải mái, chân thành, nên mọi người chẳng ai nói gì, còn ủng hộ trong công việc.
Bạn thấy thế giới đã làm phim về người đồng tính như thế nào?
- Ở Hàn Quốc có một bộ phim truyền hình dài tập lấy người đồng tính làm trung tâm, là "Life is beautiful". Đây là một bộ phim gia đình. Vấn đề của 2 bạn nam chính thực sự gây được nhiều cảm xúc cho khán giả. Bộ phim đã gây được tiếng vang trong xã hội Hàn Quốc - một xã hội được xem là còn khắt khe, bảo thủ hơn Việt Nam. Nhưng khán giả đã chấp nhận và 2 nhân vật trong phim kết thúc bằng một đám cưới.
Trong nghệ thuật Việt thời gian qua, tôi thấy có 2 vở kịch "Được là chính mình" và "Cầu vồng lục sắc" - là nhắc đến cộng đồng người đồng tính một cách gần gũi và chính thống nhất.
Hiện tại người đồng tính cũng đang được chú ý trong xã hội cũng như trong nghệ thuật, còn người chuyển giới thì có vẻ chưa được như vậy?
Đúng vậy. Phần nào họ chưa được quan tâm.
- Người chuyển giới rất dễ nhận ra. Họ có xu hướng biểu hiện giới ra ngoài rất rõ ràng. Những em bé 5-6 tuổi thôi, nếu nó thấy mình không giống với bản nhận giới sinh học của mình, thì sẽ có xu hướng chống lại ngay. Con gái thích thể hiện mạnh mẽ, cắt tóc ngắn; con trai thích cột tóc hai bên, làm điệu...Chính vì vậy, người chuyển giới bị kì thị nhanh chóng, bị bỏ rơi lẹ nhất, thậm chí ngay từ trong gia đình.
Việc bị bỏ rơi hoặc đối xử sai lệch từ bé sẽ rất khó khăn cho họ khi trưởng thành. Không ai nói con nít tự lập được, nhưng về mặt tinh thần, họ phải tự lập từ bé.
Như vậy, người chuyển giới có xu hướng tự nhận biết sớm hơn người đồng tính?
- Chính xác! Bất cứ một đứa bé nào đều sẽ có cảm nhận giới của mình. Bản thân tôi sinh ra là con trai và luôn biết mình là con trai; chỉ đến giai đoạn có tình cảm với người khác thì tôi mới biết về xu hướng giới tính của mình. Nhưng với người chuyển giới, cảm nhận có sự sai khác về giới tính sinh học cá nhân sẽ ập đến từ khi rất nhỏ, nó không liên quan đến cảm xúc, tình yêu với người khác.
Cá nhân bạn đã "come out" như thế nào?
- Tôi không gặp phải sự kì thị vì tôi tránh không nói ra. Tôi đã nhìn thấy những người đồng tính khác bị kì thị nên sợ. Tôi nghĩ: "Nếu mình nói ra mình sẽ bị kì thị chung, bị đối xử như bạn kia đang bị đối xử". Tôi cứ sống bình thường, im lặng, nên chẳng ai biết. Nếu một người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ không thể hiện ra thì sẽ khó khẳng định được.
Sau đó tôi đi làm, có một nữ đồng nghiệp tỏ tình... nên tôi có tâm sự thật về mình cho bạn ấy. Rồi mọi người trong công ty đã dèm pha về tôi. Nhưng nói thì nói chứ tôi biết làm gì, tôi thà cư xử tệ vậy còn hơn sau này phải mang thêm trọng tội với cả một đời người. Tôi vẫn phải làm việc, cố gắng phấn đấu. Tôi đã vững vàng lên rất nhiều, lúc ấy mọi người lại nhìn nhận ở những yếu tố khác, những giá trị khác của bản thân mình. Dần dần, đồng tính chỉ còn là một điểm nhỏ, không đáng lưu tâm.
Vậy thời điểm bạn tự nhận thức về bản thân có khó khăn không?
- Thật ra, lúc đầu khi tôi biết mình là người đồng tính, tôi cũng rất hoang mang. Bởi vì thời điểm cách đây 10 năm, mọi người hiểu là - "người đồng tính là người thích giả gái". Lúc đó người ta còn chưa sử dụng từ đồng tính nhiều, xã hội gọi là "pê-đê". Tôi tự nhủ, "Ủa, mình không phải thế, mình không thích giả gái, chỉ là mình thích con trai".
Tôi cứ âm thầm giữ điều đó trong lòng; những năm học lớp 9, lớp 10, hoang mang cực độ. Internet vẫn chưa phổ biến, tôi tìm hiểu trên báo chí, nhưng báo chí thời đó cũng là những thông tin rất sai. Họ khuyên: "Nếu như con có suy nghĩ như vậy thì hãy đi chơi thể thao nhiều hơn" hoặc "tránh xa môi trường đó để đỡ bị lây nhiễm". Tôi tiếp tục cảm thấy không thỏa mãn, vì tôi có chơi thể thao và có những người bạn tốt.
Tôi buộc phải tìm hiểu qua những nguồn khác. Rồi từ từ internet đến Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm đọc tài liệu tiếng Anh. Dịch rất khổ sở, vì không hiểu hết ngôn ngữ, thuật ngữ chuyên môn của họ. Vài năm trở lại đây, khi tham gia công tác với các cơ quan làm về giới, tôi mới cảm thấy kiến thức của mình khá đầy đủ và rõ ràng hơn, chứ trước đó thú thật bản thân mình cũng còn nhiều điều mù mờ lắm.
Tôi biết có một trường hợp người phụ nữ có gia đình, nhưng sau khi quá đau khổ với việc người chồng cư xử tệ với mình, cô ấy đã chuyển sang chung sống với một người bạn gái nữa. Sự thay đổi này, anh hiểu như thế nào?
- Tôi hiểu câu chuyện của bạn.
Người đồng tính là người có tình cảm với người có cùng giới tính với mình; không có nghĩa là có cùng xu hướng giới tính với mình. Vì vậy, một người đồng tính nam hoàn toàn có thể thích một người con trai có giới tính "thẳng"; một người đồng tính nữ hoàn toàn có thể thích một bạn gái khác mà không cần biết bạn ấy là đồng tính hay dị tính.
Nhưng việc người ta yêu nhau, hay đến được với nhau, phải phụ thuộc vào cả hai phía. Không phải chỉ một bên thích hay theo đuổi mà được. Nhìn về phía tiêu cực, có thể thấy một bên bị "mời mọc" nữa - nhưng sự mời mọc, gạ gẫm lại có thể xảy ra ở mọi giới.
Tôi cho rằng mọi người nên có sự trải nghiệm trong cuộc sống, để nhận ra mình là ai. Bởi vì chỉ có thực sự trải nghiệm, tự thân trải nghiệm, các bạn mới biết rõ về bản thân mình.
Mọi người hay nghĩ về sự thay đổi như là việc bị ảnh hưởng bởi xu hướng, theo trào lưu, đồng tính vì bị lôi kéo, do thất vọng nên đồng tính... nhưng thực sự, nhân vật bị coi là "nạn nhân" đó, có thể họ cũng có một chút xu hướng song tính nào đó, ngay trong bản thân mình.
Dù bạn có là đồng tính, dị tính, hay song tính, tôi cũng rất tôn trọng.
Xin cảm ơn bạn!
Vân Sam
--------
(*) Trong buổi trả lời trực tuyến của cổng thông tin Chính Phủ vào ngày 24/7/2012, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh: “Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau”.
Nguồn bài phỏng vấn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Bo-truong-Bo-Tu-phap-doi-thoai-truc-tuyen-voi-nhan-dan/20127/144282.vgp