Theo hãng tin RT, phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng NATO được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ) hôm 9/7, bà Hicks đã ca ngợi việc các nước thành viên NATO tăng ngân sách quân sự kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào năm 2014, và đặc biệt là sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022. Theo bà, trong thập kỷ qua, mức tăng chi tiêu quốc phòng trung bình hàng năm là 72% được điều chỉnh theo lạm phát.

Cũng theo bà, các nhà sản xuất vũ khí phương Tây có năng lực “không chỉ để cạnh tranh, mà còn vượt trội và chiếm ưu thế” trước Nga và các quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

nato chien tranh.jpg
NATO tập trận ở Ba Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

“Điều đó bao gồm việc đảm bảo chúng ta chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến sự kéo dài, điều mà mọi đồng minh đều cần phải chuẩn bị mà không chỉ ở châu Âu”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo. 

Bà cho biết, việc phát triển cơ sở sản xuất ở cả hai bờ Đại Tây Dương theo cách kết hợp “sự khéo léo của thời đại thông tin, và năng lực của thời đại công nghiệp” sẽ mang lại lợi ích cho các đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bà Hicks cũng nhấn mạnh, Lầu Năm Góc đang tìm cách “trở thành một khách hàng tốt hơn” bằng cách hợp lý hóa các quy trình nội bộ, cung cấp những khoản đầu tư có mục tiêu vào lĩnh vực quốc phòng, và cung cấp dịch vụ an ninh cho các doanh nghiệp vũ khí.

Lâu nay giới chức Nga cho rằng, NATO là một công cụ cho tham vọng địa chính trị của Mỹ, và là cách để đảm bảo thị trường lâu dài cho vũ khí Mỹ ở châu Âu. Theo Moscow, cam kết của Washington về việc Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO, cùng với sự hiện diện ngày càng lớn của NATO ở Ukraine kể từ năm 2014 là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xung đột ở Ukraine.

Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ mắc kẹt trong “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, và chơi “trò chơi có tổng bằng 0” với các quốc gia không phải phương Tây bao gồm Trung Quốc.