Đây là nhận định hôm 9/7 của Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasčiūnas bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ. 

Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Moscow sản xuất 400.000 viên đạn 152mm mỗi năm. Song theo ông Kasčiūnas, con số này đã tăng lên 2 triệu viên đạn mỗi năm.

“Họ đang tăng tốc khá nhanh”, Business Insider dẫn lời ông Kasčiūnas.

nga dan phao.jpg
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Trên thực tế, Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện những bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế Nga giữa lúc xung đột với Ukraine. Điển hình, đầu năm nay, nhà lãnh đạo Nga đã cải tổ ban lãnh đạo quân sự để tăng sản lượng công nghiệp quốc phòng, và hỗ trợ sản xuất hàng loạt vũ khí.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm gây tổn thất cho nền kinh tế Nga vì liên quan tới xung đột ở Ukraine, ông Kasčiūnas cho biết nền kinh tế giai đoạn chiến sự của Moscow đã phục hồi "nhanh hơn dự đoán". Các quan chức và tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ cũng đưa ra đánh giá tương tự về sức mạnh quân sự của Nga.

Trong đó, việc tăng sản lượng đạn pháo là một chỉ số quan trọng. Sản lượng đạn pháo 152mm của Moscow vượt xa ước tính sản xuất đạn pháo 155mm tiêu chuẩn của NATO. Như ở châu Âu, tốc độ sản xuất đạn 155mm hàng năm là dưới 600.000 viên, và ở Mỹ là 350.000 viên.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, 3 quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Estonia và Latvia đã luôn ủng hộ, và kiên trì hỗ trợ an ninh cho Kiev vì lo ngại Nga có thể nhắm mục tiêu vào họ trong tương lai.

Theo ông Kasčiūnas, để xây dựng hệ thống phòng thủ đáng tin cậy có thể ngăn chặn Nga một cách hiệu quả cần lấp đầy khoảng trống về năng lực như phòng không và đạn dược tầm xa. Hiện tại, các nước vùng Baltic đang triển khai một số sáng kiến, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Chúng tôi đang tiến về phía trước, nhưng chỉ từng chút từng chút một”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania thừa nhận.