Theo hãng tin RT, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết ông đưa ra tuyên bố trên dựa vào tỷ lệ thành công cao của lực lượng phòng không Nga trong việc bắn hạ các máy bay quân sự Ukraine hồi tháng 10. 

Ông Shoigu thông báo, Nga đã thực hiện hơn 1.400 vụ đánh chặn thành công trong tháng 10. Trong số này có 37 máy bay quân sự Ukraine đã bị phá hủy. Con số này gần gấp đôi số lượng F-16 mà phương Tây định chuyển giao cho Kiev.

nga ukraine 20.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham quan tiêm kích F-16 tại căn cứ không quân Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: Reuters

“Nếu lực lượng phòng không Nga hoạt động như hiện nay, phi đội F-16 sẽ chỉ có khoảng 20 ngày làm nhiệm vụ”, ông Shoigu nói. 

Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay Ukraine bị Nga bắn hạ trong tháng 10 chủ yếu là MiG-29 và Su-25 do Liên Xô cũ thiết kế. Ông Shoigu từng tiết lộ quân đội Nga đã sử dụng “các tổ hợp mới” để cải thiện khả năng đánh chặn.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời một nguồn tin cho hay, Nga đã sử dụng máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 để phát hiện các mục tiêu của Ukraine, và dùng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 để tấn công. 

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Kiev đã hối thúc đồng minh cung cấp nhiều loại vũ khí hiện đại như tiêm kích F-16. Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine trong vài năm tới. Các phi công Ukraine cũng đang được đào tạo để sử dụng loại máy bay này.  

Cho tới nay, báo cáo số lượng F-16 mà Ukraine có thể nhận được là không nhất quán. Hồi tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông đã được Hà Lan và Bỉ hứa cấp 42 chiếc. Nhưng tuyên bố chung của Hà Lan và Bỉ lại không đề cập đến con số cụ thể. Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, phi đội F-16 của nước này có tổng cộng 42 chiếc, và cần giữ lại một số máy bay để phục vụ chương trình huấn luyện.

Ngoài F-16, các loại vũ khí hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Kiev như hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình hình xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, theo Điện Kremlin, những vũ khí mới mà phương Tây chuyển cho Ukraine cũng “sẽ bị thiêu cháy như những vũ khí còn lại”.