TQ đang nỗ lực khiến cho trật tự quốc tế trở nên phù hợp hơn với các lợi ích của họ, đặt TQ lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm trong các sự vụ toàn cầu. Để thực hiện, TQ cần đến những đối tác có ảnh hưởng lớn như nước Nga.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP |
Chính sách mới của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tập trung vào ngoại giao đa phương kể cả thiết lập những khuôn khổ mới cho các thỏa thuận hiện tồn để TQ có thể dẫn đầu, như BRICS hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ông Tập cũng theo đuổi những sáng kiến riêng, ví như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, trong khi thúc đẩy việc cải tổ kinh tế và hiện đại hóa quân sự trong nước.
Để thực hiện toàn bộ công việc này giữa lúc đối mặt với sự hoài nghi, thậm chí thù địch, từ Mỹ và các đồng minh, TQ cần đến những đối tác có ảnh hưởng lớn như nước Nga - cùng là thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ - cho dù những mục tiêu chiến lược của Putin khác với của ông Tập. Trong bài phát biểu tháng 11/2014 về công tác đối ngoại, ông Tập đề cập tới láng giềng và những cường quốc lớn trong khuôn khổ ngoại giao. Nhưng ông cũng đưa ra một phạm trù mới của cái gọi là "cường quốc đang phát triển" - có lẽ bao gồm cả Nga - với chiến lược ngoại giao TQ.
Cả hai bên đều khá thận trọng về môi trường quốc tế hiện tại do Mỹ dẫn dắt. Nhưng quan điểm của ông Tập về Mỹ đa sắc thái hơn của Putin - người vẫn xem Mỹ là đối thủ số một. Bắc Kinh không ngại ngần chỉ trích Mỹ nhưng cũng không thể quên rằng, TQ có lẽ hưởng lợi nhiều nhất từ công cuộc toàn cầu hóa và một trật tự châu Á do Mỹ đứng đầu. Ông Tập thấy một mối quan hệ ổn định với Mỹ. Vì thế "tăng cường môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển hòa bình" là điều quan trọng để đạt được "Hai mục tiêu thế kỷ" của ông.
TQ đã tận dụng sự bối rối của chính phủ Nga để giữ khoảng cách về vấn đề Ukraina. Báo chí chính thống TQ gần đây bình luận về Putin gần đây khá trung lập. Có thể chính phủ TQ không hoàn toàn nhất trí với Putin về chính sách Ukraina và về quan điểm chống phương Tây, cho dù họ không chính thức nêu ra trên báo chí.
Trong khi đó, TQ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ công nghệ quân sự của Nga. Hãng thông tấn Nga cuối năm 2014 đưa tin, Nga sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho TQ. Điều này đồng nghĩa với việc hai nước sẽ nối lại xuất khẩu vũ khí công nghệ cao bị tạm ngừng vài năm trước. Khi đó, TQ bị cho là sao chép công nghệ máy bay của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Bắc Kinh hồi tháng 11/2014 và tuyên bố kế hoạch cho các cuộc tập trận hải quân chung năm 2015, một ở Địa Trung Hải và một ở Thái Bình Dương. Hai địa điểm này được cho là sự chọn lựa rõ ràng, nhằm thể hiện cách tiếp cận toàn cầu của một lực lượng chung Trung-Nga.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng TQ đã cẩn thận nói với phóng viên rằng, TQ tuân thủ "các nguyên tắc không đối đầu và không liên minh". Họ cũng không nhắc lại tuyên bố của ông Shoigu rằng, Nga thể hiện "sự quan ngại về việc Mỹ nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự và chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Tại Thông điệp liên bang tháng 12, Putin chỉ 'lướt qua' khi đề cập tới châu Á-Thái Bình Dương. Ngôn từ nhiều nhất ông dành cho Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU). Theo giới phân tích, EU thể hiện rõ nhất sự 'vỡ mộng' của Putin trước ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà TQ gây dựng được ở Trung Á. Một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình là thiết lập "những con đường Tơ lụa mới" qua Kirgizstan, Tajikistan và Uzbekistan tới Iran và châu Âu. Có lẽ, ưu thế của TQ ở Trung Á không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nga.
Trong mối quan hệ này, không có nhiều sự tin tưởng chiến lược. Ưu thế của TQ sẽ không khiến Nga hài lòng, trong khi cuộc phiêu lưu ngoại giao của ông Putin sẽ khiến TQ phải trả giá nhiều hơn.
Thái An (theo businessspectator)