Ukraine đã đưa vụ việc lên tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc chỉ vài ngày sau khi cuộc xung đột với Nga bùng phát vào ngày 24/2/2022. Kiev cáo buộc Moscow lạm dụng luật pháp quốc tế khi lấy lí do ngăn chặn diệt chủng ở miền đông Ukraine làm cái cớ để mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này.
Theo Reuters, phía Nga muốn vụ kiện bị bác bỏ, đồng thời phản đối quyền xét xử của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Moscow tin, Ukraine đang sử dụng vụ việc như đường vòng để có được phán quyết về tính hợp pháp tổng thể cho hành động quân sự của mình ở miền đông đất nước.
Cho đến nay, Ukraine đã vượt qua một trở ngại, khi ICJ ra phán quyết sơ bộ có lợi cho họ hồi tháng 3 năm ngoái. Trên cơ sở đó, tòa đã yêu cầu Nga ngừng ngay các hành động quân sự ở Ukraine.
Các phiên xử mới, dự kiến kéo dài đến ngày 27/9, sẽ không đi sâu vào nội dung vụ việc, mà tập trung vào các lập luận pháp lý về quyền phán xử. Tòa cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ 32 quốc gia khác, vốn đều ủng hộ lập luận của Ukraine rằng ICJ có đủ thẩm quyền xét xử vụ việc.
Dù Moscow cho đến nay vẫn phớt lờ lệnh của ICJ về việc ngừng các hành động quân sự ở bên kia biên giới và tòa quốc tế không có cách nào để thực thi các phán quyết của mình, nhưng các chuyên gia nhận định, phán quyết cuối cùng có lợi cho Kiev có thể rất quan trọng đối với bất kỳ yêu cầu bồi thường nào trong tương lai.
Lãnh đạo NATO cảnh báo về xung đột kéo dài
Trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke của Đức hôm nay (17/9), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến cáo sẽ không có kết thúc nhanh chóng cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Theo báo Guardian, các lực lượng Kiev đã phát động chiến dịch phản công từ tháng 6 nhằm đẩy lùi quân Nga khỏi các vị trí ở phía nam và phía đông Ukraine, nhưng chỉ đạt được một số bước tiến hạn chế.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn có được một nền hòa bình nhanh chóng ... Hầu hết các cuộc xung đột đều kéo dài hơn dự kiến khi chúng bắt đầu. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài ở Ukraine", ông Stoltenberg nói.
Về tham vọng xin gia nhập NATO của Ukraine, ông Stoltenberg cho biết quốc gia Đông Âu “cuối cùng sẽ được kết nạp vào liên minh”. Quan chức này lưu ý, khi cuộc xung đột hiện tại kết thúc, phương Tây cần đảm bảo an ninh cho Ukraine “nếu không lịch sử có thể lặp lại”.