Theo các chuyên gia môi trường, khai thác than là hoạt động sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì thế, nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của TKV là ưu tiên nguồn lực lớn cho công tác cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, TKV đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường cũng như giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. 

Hàng năm, TKV đều dành kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn tập đoàn, đặc biệt là vùng mỏ Quảng Ninh. 

kinh doanh than.jpg
Khai thác than là hoạt động sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường

Hiện nay, TKV đang vận hành 36 hệ thống quan trắc môi trường tự động; 2 hệ thống quan trắc môi trường khí thải nhà máy nhiệt điện đảm bảo quy định và 2 công trình giảm thiểu bụi, ồn… Đồng thời, TKV cũng duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường.

Thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục triển khai các công trình cải thiện môi trường cảnh quan mặt bằng sản xuất của các đơn vị, khu vực bến cảng, nơi chế biến than - khoáng sản.

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, TKV cũng chú trọng nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ… 

Ðáng chú ý, nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, TKV đang tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, góp phần giảm áp lực độ cao, bảo đảm an toàn cho các bãi thải.

Hiện TKV có 50 trạm xử lý nước thải, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp. 100% nước thải được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường. Các trạm đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, các thông số kỹ thuật được truyền về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.

Ðể "xanh hóa" hoạt động sản xuất than, TKV đã dành nguồn lực lớn đầu tư các dây chuyền hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất khác nhau. 

Ðồng thời, TKV tiếp tục nghiên cứu khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải.

Cùng với đó, TKV tiếp tục trồng cây phủ xanh các khai trường khai thác than. Theo kế hoạch năm 2023, TKV sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh, diện tích 225ha, trong đó, tại Quảng Ninh trên 1 triệu cây, tương đương 210ha, tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy".

Ngoài ra, công tác phòng, chống thiên tai cũng được các đơn vị chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; không để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Với rất nhiều giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường được áp dụng tại các đơn vị ngành than, đã xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện. Từ đó, từng bước giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng.

Bình Minh và nhóm PV, BTV