Sáng 8/12, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty địa ốc Alibaba) và các đồng phạm bị đưa ra xét xử, nhiều bị hại có mặt theo giấy triệu tập của tòa.
Có mặt từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Đạt, một trong những nạn nhân của địa ốc Alibaba chia sẻ, khi nghe lời dụ dỗ từ các nhân viên của địa ốc Alibaba, anh đã trực tiếp đi xem các dự án, tìm hiểu các thủ tục pháp lý... Khi thấy mọi thứ đều ổn và tiềm năng dự án có thể mang lại lợi nhuận, anh dốc hết tiền tích lũy và vay thêm ngân hàng hơn 300 triệu đồng để đầu tư.
Thế nhưng, tiền lời chưa thấy, còn hành vi lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị cơ quan công an lật tẩy. Lúc này, anh Đạt hay tin toàn bộ dự án của Công ty Alibaba là dự án ma, anh có nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Anh Đạt cho biết, mấy năm nay anh phải ngược xuôi tìm cách trả lãi ngân hàng. “Có thể sang năm tôi phải bán nhà, vì đồng lương công nhân ít ỏi không đủ để trả lãi và lo cho cuộc sống gia đình", anh Đạt ngậm ngùi nói.
Cùng cảnh ngộ với anh Đạt, ông Lân (ngụ quận Bình Thạnh), buồn bã cho biết, ông dốc hết tiền tiết kiệm để dưỡng già của hai vợ chồng được 2 tỷ đồng, đem đi đầu tư vào 10 nền đất của Alibaba, tới nay thì trắng tay.
Đau xót nhất là hoàn cảnh ông C. (ngụ TP.Thủ Đức), do tin tưởng vào lời của nhân viên Công ty Alibaba, ông đã rủ các anh em trong gia đình bán nhà, mua 9 nền đất. Nhà mất, tiền bạc cũng không còn, gia đình xào xáo. “Tôi mong tòa xét xử nghiêm minh, lấy lại tiền cho chúng tôi”, ông C. nói.
Cũng tin tưởng vào lời mời gọi lợi nhuận hấp dẫn, giá đầu tư rẻ, anh Đ. (ngụ quận 7, TP.HCM) mang 600 triệu đồng đi đầu tư 3 nền của 2 dự án.
Anh Đ. cho hay, toàn bộ số tiền này là tài sản tích góp của anh trong mấy chục năm làm nhà nước. Khi những chiêu trò lừa đảo vỡ lở, anh "ngậm đắng nuốt cay".
Theo anh Đ., anh chờ đợi phiên tòa này suốt 3 năm với hi vọng tòa xử đúng người, đúng tội và mong muốn có thể lấy lại được phần tiền đã đầu tư.
Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện pháp luật.
Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Công ty địa ốc Alibaba còn hứa hẹn sẽ: Thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại... Dòng tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty mẹ.
Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Điều đặc biệt, đa số giám đốc các công ty con của Alibaba chỉ học hết lớp 12 hoặc không được đào tại bài bản về lĩnh vực bất động sản.
Trong đó có em trai Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh được anh trai đưa lên làm giám đốc Công ty Alibaba.
Bị cáo Nguyễn Văn Kiên (Giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Spartaland) cũng chỉ học hết lớp 12. Trước khi đầu quân cho Nguyễn Thái Luyện, bị cáo kinh doanh, buôn bán tự do.
Thanh Phương - Nguyễn Nam
Hơn 1.400 tỷ kê biên từ địa ốc Alibaba, 5.671 nạn nhân nhận được gì?
Các nạn nhân của Công ty CP địa ốc Alibaba sẽ nhận được gì từ số tiền hơn 1.400 tỷ đồng mà CQĐT kê biên được của Nguyễn Thái Luyện?
Hé lộ nhân vật đứng sau Nguyễn Thái Luyện ở 'tập đoàn lừa đảo' Alibaba
Nguyễn Thái Luyện, CEO “nổ” của địa ốc Alibaba đã kéo theo nhiều người thân gồm vợ và các em trai, dính vào vòng lao lý. Kết luận của Công an TP.HCM hé lộ vai trò quan trọng của những người này.