- Bài “Xóa độc quyền điện:17 năm vì nhạy cảm, phức tạp” đã thu hút đông đảo ý kiến của bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC:


Điện ‘nhạy cảm’, liệu có bằng Viễn thông giai đoạn 2000 - 2006?

Đặng Thị Phương Thảo (email thaodtp@unior.it) căn vặn: “Sao các nhà hoạch định chính sách lại ưa dùng từ ‘nhạy cảm’ trong lĩnh vực kinh tế đến vậy? Ai cũng biết EVN lỗ do đầu tư ngoài ngành rồi tăng giá bắt dân chịu? Tiền dân đóng thuế đã bị EVN tiêu sai, làm lỗ nay lại bắt dân chịu giá điện đắt. Cần xử lý những người quản lý kém chứ đừng dùng từ ‘nhạy cảm’ như thế. Dân nghe không thuyết phục.”

Bạn Việt (email viet_thanh1968@yahoo.com) tiếp mạch, đặt câu hỏi: “Điện tuy ‘nhạy cảm’ nhưng liệu có nhạy cảm bằng Viễn thông giai đoạn 2000 - 2006 không? Chắc chắn không. Vậy tại sao Viễn thông làm được mà điện, xăng dầu cứ nhùng nhằng? Tất cả là do người đứng đầu. Viễn thông may mắn có được các nhà lãnh đạo như Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá v.v… Còn điện, xăng dầu ai có tâm, có tầm giống như vậy?”

Cách nhìn nhận của bạn Nguyễn Hùng (email hung@gmail.com): “Tại miếng bánh to và ngon quá, nên các bác không muốn chia ra thôi! Không có gì là ‘phức tạp’, là ‘nhạy cảm’ cả. Mỹ, Pháp, Nhật xâm lược, khó khăn, phức tạp bằng mấy, chúng ta con đánh thắng được mà!”

Bạn Triệu Ngọc Liễu (email trieungoclieu3@gmail.com) phụ họa: “Cố tình bao biện cho sự độc quyền, chưa thoát khỏi tư duy ‘tập trung, quan liêu, bao cấp’. Kinh tế thị trường đã hình thành từ khi bắt đầu có sản xuất hàng hoá, đã có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn mấy trăm năm nay, các nước có nền kinh tế thị trường hoàn hảo đã thực hiện từ nhiều năm nay, còn ta cho là ‘nhạy cảm’, ‘phức tạp’? Người dân thì trông chờ sự công bằng và minh bạch, cạnh tranh, thực sự. Vậy mà, phải mất 17 năm?”

Ý kiến của email congdu.la@gmail.com: “Cung cấp điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh thì cho rằng phức tạp, ‘nhạy cảm’, còn giá thì tăng theo thị trường rất nhanh. Xin nhớ rằng, người dân bây giờ không đến mức không hiểu nguyên nhân đằng sau cái gọi là ‘phức tạp’, ‘nhạy cảm’ trong việc độc quyền cung cấp điện. Khi nào ngành điện, xăng dầu, than, nước...còn do các DNNN độc quyền cung cấp thì người dân sẽ còn nghe mãi cái điệp khúc: lỗ --> tăng giá, thất thoát nghìn tỷ.”

Email tran_hung295@yahoo.com lo ngại: “Làm sao xóa độc quyền của EVN được khi tất cả các đơn vị đều là anh em, con cháu, chắt chít của EVN? Nếu anh em, con cháu, chắt chít này bắt tay nhau đều tăng giá phát điện thì đây là cái cớ để EVN tăng giá điện. Cuối cùng thì người tiêu dùng nói chung hay các doanh nghiệp SXKD nói riêng, vẫn phải chịu giá điện cao.”

Xóa độc quyền điện: 17 năm; tăng giá điện: 3 tháng một lần?


Bạn Nguyễn Thanh Bình (email ntb_no@yahoo.com.vn) thốt lên: “Quá phi lý! Tại sao cứ 3 tháng lại tăng giá điện một lần? Đại diện Bộ Công thương phát biểu như vậy là không có căn cứ. Lương của công nhân 3 tháng có được tăng một lần không? Làm như thế này, người dân lúc nào cũng cảm thấy ngột ngạt vì… điện.”

Email nguoidan@yahoo.com bức xúc: “Người dân bất bình tại sao phải cần tới 17 năm? EVN đầu tư ngoài ngành tràn lan, thất thoát, lãng phí… dẫn đến lỗ vốn rồi lại tăng giá bắt dân chịu? Dân tình khổ vì mấy EVN độc quyền. Mặc dù công ty kinh doanh lỗ vốn nhưng các giám đốc và bộ sậu liên quan thì vẫn lương cao, lộc hậu, giàu có. Thật là phi lý!”

Bạn Tuấn (email tuan@yahoo.com) phụ họa: “Mấy ông EVN nói gì thì các ông ấy vẫn… độc quyền về điện - 3 tháng tăng giá 1 lần, các ông kêu lỗ, lỗ ở kinh doanh điện hay do đầu tư ngoài ngành, lỗ do viễn thông ai chịu? Lại tăng giá điện thu tiền của dân để bù vào? Ai cũng muốn xóa độc quyền, sao phải 17 năm? Lại bảo ‘nhạy cảm’ là nhạy cảm cái gì? EVN còn độc quyền thì dân còn khổ.”

Email tien@yahoo.com dẫn lời ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương và bình luận: “EVN là người mua duy nhất, các khâu truyền tải, điều độ, hệ thống phân phối vẫn thuộc EVN thì liệu vận hành thị trường có vấn đề gì không thì chúng tôi cho rằng, việc phát triển thị trường điện cần có lộ trình. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh’. Nói vậy không thuyết phục. Thời buổi kinh tế quá khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng, vỡ nợ, công nhân thất nghiệp tràn lan, lại đột ngột tăng giá điện mà không thông cảm, chia sẻ cho dân và các doanh nghiệp, mà chỉ dự vào văn bản, quy định? Văn bản quy định có lúc chưa chặt chẽ, mà các vị cứ vin vào văn bản?”

Ý kiến bạn Thanh Huyền (email thanhhuyendinh950@gmail.com) cũng tương tự: “Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải: ‘Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói sau này sẽ điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần, nhưng tôi xin nói thêm, chúng tôi sẽ hết sức cân nhắc, không thay đổi nhanh quá. Giá điện theo thị trường cũng có thể giảm giá chứ không tăng. Còn việc từ nay tới cuối năm có tăng giá điện nữa hay không thì những gì của EVN thì xin hỏi lại EVN’. Thứ trưởng phát biểu câu cuối như thế nghe thật… không thuyết phục.”

Giọng hài hước của email botay@yahoo.com: “Chịu thua EVN ‘độc quyền’. Dân nghe đến chuyện tăng giá của EVN cứ gọi là... khóc thét! Cứ như trẻ con bị doạ … ‘ngoáo ộp’!

Ban Bạn đọc