Bên cạnh ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng năm thì pháp luật còn cho phép người lao động được nghỉ việc riêng để giải quyết các công việc cá nhân.
Theo quy định tại điều 116 Bộ Luật Lao động 2012, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp: Kết hôn, nghỉ 3 ngày; Con kết hôn, nghỉ 1 ngày; Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết được nghỉ 3 ngày.
Bên cạnh ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng năm thì pháp luật còn cho phép người lao động được nghỉ việc riêng để giải quyết các công việc cá nhân. |
Trong đó, theo khoản 9, điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong những ngày nghỉ này là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, tiển lương ngày nghỉ việc riêng (bằng) = tiền lương theo hợp đồng lao động (chia) : số ngày làm việc bình thường trong tháng (nhân) x số ngày nghỉ việc riêng.
Ví dụ: Ngày 7/5/2020, chị H kết hôn. Theo quy định, chị được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương. Tiền lương theo hợp đồng lao động của chị H là 5,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng làm việc 22 ngày. Do đó, tiền lương những ngày nghỉ kết hôn của chị H bằng 5,5 triệu đồng: 22 x 3 = 750.000 đồng.
Ngoài những trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương, pháp luật còn tạo điều kiện để người lao động được nghỉ việc riêng không hưởng lương.
Cụ thể tại khoản 2 và khoản 3, điều 116 Bộ luật này, người lao động được nghỉ không hưởng lương trong những trường hợp: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: Nghỉ 1 ngày; Lý do khác: Nghỉ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Lưu ý, trong những trường hợp này, người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động.
(Theo NLĐ)