Giao thông ở Hà Nội thời gian gần đây đã tốt hơn. Nhưng bản thân tôi cũng gặp nhiều trường hợp dở khóc, dở cười khi chứng kiến người nước ngoài coi tham gia giao thông ở Hà Nội như trò chơi mạo hiểm. Đèn giao thông ở Thủ đô nhiều khi chỉ như vật trang trí cho đẹp đường phố, nhiều người chẳng coi các tín hiệu này là gì. 

PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Ảnh: N. Huyền) 

Thực ra, giao thông cũng là một hiện tượng văn hóa, xã hội nên một hiện tượng cụ thể như vi phạm giao thông, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ thường có nhiều lý do xuất phát từ nguyên nhân văn hóa, xã hội. 

Như vậy, thay vì quy cho nguyên nhân thiếu ý thức của người tham gia giao thông, thì chúng ta đi tìm hiểu những nguyên nhân khách quan gây ra sự thiếu ý thức đó, để từ đó hình thành nên những giải pháp phù hợp. 

Theo tôi, có mấy lý do chính như sau: 

Thứ nhất, là do luật pháp về giao thông của chúng ta chưa thực sự đi vào cuộc sống. Giáo dục về luật giao thông chưa tốt khiến cho nhiều người tham gia giao thông bằng kinh nghiệm hơn là bằng những kiến thức được học một cách bài bản. 

Việc xử phạt vi phạm giao thông cũng chưa tốt, vẫn còn có tình trạng nể nang, xin - cho dẫn đến chưa hình thành những bài học tuyên truyền thông qua xử phạt, cũng như chưa mang tính răn đe, khiến nhiều khi luật giao thông bị nhờn, thậm chí có khi còn bị coi thường. 

Thứ hai là do hạ tầng giao thông bị quá tải, đặc biệt là ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, dẫn đến việc nhiều người có ý thức, hiểu rõ về luật giao thông, những vẫn cố tình vi phạm luật, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, lấn làn phương tiện khác... để đi đến chỗ làm đúng giờ. 

Thứ ba là các phương tiện công cộng chưa phát huy hết công suất, năng lực của mình khiến người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân, gây thêm áp lực cho hạ tầng giao thông. 

Tất cả những nguyên nhân trên tác động đến văn hóa giao thông của người dân đô thị Hà Nội làm cho việc đi lại của người dân, điều khiển giao thông của các cơ quan chức năng thêm nhiều vất vả. 

Theo tôi, tác động của hoàn cảnh, môi trường đã hình thành nên văn hóa giao thông của người Hà Nội. Cũng không cần so sánh đâu xa, dù cùng cảnh tắc đường nhưng theo cách nhìn của riêng tôi thì tắc đường ở TP.HCM có vẻ không nhộn nhạo như Hà Nội. 

Thói quen không “chịu” nhường đường, lấn làn, trèo vỉa hè thậm chí còn vượt đèn đỏ, dù đã hạn chế khá nhiều, vẫn trở nên khó bỏ đối với nhiều người tham gia giao thông ở Thủ đô. 

Đi đường, một số người chủ yếu nhìn cảnh sát giao thông có hay không, chứ không phải là đèn tín hiệu hay biển báo giao thông. Việc coi lòng đường, vỉa hè như của nhà mình, không quan tâm đến người khác cũng rất phổ biến. 

Người nước ngoài bị đánh bật xuống lòng đường khi đi bộ ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo.

Thói quen này đã hình thành nên văn hóa giao thông xấu xí, hơn thế, gây ra những hình ảnh tiêu cực, cái nhìn mất thiện cảm của nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài, nhất là khi Hà Nội là thủ đô, nơi được mong muốn là hội tụ những giá trị, hình ảnh đẹp đẽ nhất của đất nước. Chỉ vì sự mất ý thức của một bộ phận nhỏ người đã ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông chung của những người khác, và hình ảnh chung của thủ đô.

Để giải quyết tình trạng này, trước hết chúng ta cần nâng cao nhận thức đối với người tham gia giao thông. Rõ ràng, việc học luật giao thông của chúng ta chưa thực sự tốt, công tác truyên truyền về giao thông chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều người chưa hiểu rõ về luật và các quy định trong khi tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó, hình thành nên một 'văn minh tham gia giao thông' dựa vào việc tôn trọng pháp luật, phải hình thành nên ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và những người tham gia giao thông khác. 

Song song đó, hệ thống giao thông công cộng cũng cần được cải thiện chất lượng, tạo thành mạng lưới đồng bộ, trong đó quan tâm nhiều hơn đến phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, hình thành nên văn minh giao thông từ chính việc tham gia các phương tiện hiện đại này, rồi lan tỏa đến các phương tiện khác. 

Cuối cùng, cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho người tham gia giao thông thực hiện tốt luật, ý thức trách nhiệm của mình là những giải pháp mang tính căn cơ cho việc hoàn thiện văn hóa giao thông ở Thủ đô cũng như ở phạm vi cả nước. 

PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)