- "Mỗi người nói chung ở trên mọi cương vị đều cần thêm một chút nhân hậu. Cách mạng là chí lớn nhưng cũng là những tình cảm lớn" - nhà văn Đỗ Chu.

Cuối năm quả là dịp hay để nhìn lại 365 ngày cũ, để thấy những thành tựu và những cá nhân của lòng quả cảm đã nói lên tiếng nói của đất nước, của dân tộc, vì nhân dân. 

Chuyên mục Đọc chậm cuối tuần từng giới thiệu cuốn sách "48 bài học về giá trị sống" với những trích dẫn của các bậc trí giả Việt Nam, đau đáu trước thời cuộc và đóng góp cho thời cuộc. Chúng tôi gọi họ bằng một cái tên chung "Những người khổng lồ made in Vietnam". "Đối thoại trong năm" - cũng là một tác phẩm tương tự như thế. Cuốn sách khác tập hợp 25 bài phỏng vấn trên báo Nhân Dân trong năm 2012, vừa được xuất bản vào tháng cuối cùng của năm. 

Phỏng vấn là một hình thức đặc biệt thú vị của báo chí. Ở đó không có những thông tin được chuẩn bị trước mà là một cuộc đối thoại hòng đi tìm cái hay nhất, quan điểm độc đáo nhất của người phỏng vấn để truyền tải cho người đọc. Giới thiệu cuốn sách này vào dịp cuối năm, chuyên mục mong muốn đem lại cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về năm cũ, chuẩn bị những ý tưởng mới, hướng đi mới cho năm mới 2013 - từ tiếng nói của những người khổng lồ. 


* Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Đối thoại trong năm" (2012) do NXB Hội nhà văn liên kết thực hiện. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Tôi muốn nhấn mạnh, cái quan trọng nhất là tuổi trẻ phải có năng lực tự thay đổi và tiếp cận cái mới. 

Hiện nay, có mâu thuẫn là, người ta thường nói đến chính trị là chín muồi, là thận trọng, hay tích lũy thời gian kinh nghiệm, trong khi đí thực tiễn đời sống phát triển rất nhanh đôi khi khiến cho "sự chín muồi" trở nên bảo thủ, sự thận trọng làm mất cơ hội và kinh nghiệm trở thành lạc hậu. 

Theo tôi, trong thời đại ngày nay, chính trị là làm chủ được khoa học công nghệ, vì thế không thể không có tri thức và chỉ thực tiễn và ý chí thôi thì chưa đủ, phải học, phải được đào tạo một cách chính quy, bài bản... Số đông phải là nhân tài từ việc trau dồi kiến thức. 

Sự chuyển giao thế hệ như thế nào là bài toán khó, nếu không qua một cuộc cách mạng về nhận thức. Làm sao để tạo ra một thế hệ đừng già trước tuổi, và trẻ trung ngay khi tuổi đã già với biểu hiện rõ nhất là luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội

Trong thời buổi kinh tế thị trường, đến đâu người ta cũng nói về PR. PR ở tầm cao rộng nhất là PR quốc gia. Ở đây có 2 chiều: Giới thiệu Việt Nam ra thế giới và đón nhận thế giới vào Việt Nam. Cái mình mong muốn, ý thức của mình là phải giới thiệu cho thế giới cái hay, cái đẹp của đất nước. Nhưng như thế không có nghĩa là ta không có mặt xấu và ta không nói đến cái chưa hay, mặt tiêu cực của mình. 

Khi trình bày với bạn bè quốc tế, tôi không bao giờ nói Việt Nam với ý nghĩa là một "thiên đường". Trên thế gian này không có quốc gia nào là thiên đường cả. Có yêu nước đến mấy cũng không thể nói đất nước mình là thiên đường. Không phủ nhận thực tế còn rất nhiều những chuyện không hay, nhưng khi đề cập đến mình phải có khả năng để phân tích, giải thích hiện tượng đó. Nếu chính người Việt mình không nói ra một cách chủ động, thì trong quá trình người nước ngoài tự trải nghiệm, họ sẽ lầm lẫn về bản chất và hiện tượng. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh 

Bí thư thành ủy Hội An - Nguyễn Sự

Tôi ngồi tào lao ngoài quán cà-phê với người dân là chuyện bình thường, tôi đi xe đạp đi làm, đến từng nhà dân để nói chuyện, đó là việc bình thường. Hoàn toàn không phải là sự trình diễn. Tại sao phải diễn? Tôi cho rằng, nếu ai coi việc một quan chức đi xe đạp đi làm, hay ngồi tào lao với dân là chuyện lạ lùng thì chính cái suy nghĩ ấy mới là không bình thường, vì đã biến cái bình thường thành bất bình thường. Cũng không nên dùng cái cụm từ “gần gũi dân”, vì như đối với tôi, đó là nhu cầu tự thân, cho chính tôi chứ không phải cho ai cả.

Tôi cho rằng, khi mình đã chấp nhận cái chức vụ ấy, công việc ấy, thì mình phải chấp nhận mức lương ấy, không thể nói tôi làm bí thư mà đồng lương thấp như vậy rồi phải tham ô, tham nhũng, bỏ túi quà cáp..để làm giàu. Nếu muốn làm giàu thì ra ngoài, tìm việc khác. Có ai bắt buộc mình làm bí thư đâu. Tôi cũng không thích người ta nói rằng tôi thanh liêm. Vì việc tôi không nhận, không xài cái của tôi là việc bình thường, không có gì lạ lùng ở đó cả.

Bí thư thành ủy Hội An - Nguyễn Sự
GDP hạnh phúc là một cuộc sống cân bằng, người dân phải được hưởng thụ những nhu cầu tối thiểu, hưởng thụ văn hóa, môi trường, sự ứng xử giữa người và người, rồi các điều kiện giáo dục, y tế khám chữa bệnh... Tôi đang suy nghĩ về một bài toán là sự hóa giải giữa tăng trưởng đồng tiền và tăng trưởng hạnh phúc. Thật ra muốn tăng GDP thì dễ thôi, nhiều khi chỉ cần bán đất thôi là đã tăng rồi. Thật sự thì GDP của Hội An hằng năm tăng cao, tăng đến giật mình, có năm 14%, bình quân tăng 11, 12%. Nhưng khi tăng cao vậy thì mình phải rà soát lại, xem mức tăng thu nhập đó rơi vào đâu. Nếu tăng cao, nhưng mức chênh lệch giữa giàu và nghèo vẫn tiếp tục, người nghèo vẫn nghèo khổ, đó mới là vấn đề.

Tôi đang đeo đuổi nhiều nhất là xây dựng một thành phố văn hóa, ở đây bao gồm cả con người văn hóa và môi trường văn hóa. Chúng tôi giữ lại không gian xanh, không chủ trương lấp ruộng, không chủ trương lấy đất. Có thể một mảnh ruộng đó, người dân trồng lúa thì thu nhập không đáng bao nhiêu, nhưng xét tận cùng bài toán kinh tế, thì đó là không gian sống của Hội An, không chỉ cho du khách, mà còn cho cả chính người dân ở đây.

Một việc tôi đang đeo đuổi nữa, là giữ môi trường sinh thái. Ở Cù Lao Chàm, tôi vận động người dân không dùng túi nilon. Tôi ra đảo, nói chuyện với 500 người dân trong hai tiếng đồng hồ. Rồi phục ba ngày ở chợ, theo dõi, ai dùng túi nilon gói hàng là tôi mời về. Rồi tổ chức cho các đoàn thể đan các loại giỏ xách bằng cỏ lác hoặc tre phát cho dân... Cũng không phải ngay lập tức người dân họ quen. Nhưng sau một năm thì đã thành nếp, người dân họ tự giác lắm. Thậm chí bây giờ, nếu du khách đi trên đảo mà mang theo túi nilon liền bị người dân ở đây họ nhắc nhở, phê bình ngay. Như một món quà tặng bất ngờ, gần một năm sau, trong một lần tôi lặn biển, sát vào gần bờ, tôi phát hiện những dải san hô mọc đẹp vô cùng. Tôi hết sức ngỡ ngàng. Bây giờ rất đông du khách ra Cù Lao Chàm để xem san hô. Đó, điều tôi nhận ra là, khi anh ứng xử với tự nhiên một cách đúng mực, có văn hóa, thì tự nhiên sẽ tặng cho anh những món quà bất ngờ như vậy.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Tỷ phú Bill Gates có một câu mà tôi thấy rất đúng: "Cuộc sống vốn không công bằng, phải biết cách thích nghi và vượt lên nó". Tôi cho rằng, người nào cứ đòi cuộc sống phải công bằng với mình, người đó suốt đời sẽ là một kẻ bất mãn. 

Nguyên đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết

Chọn đổi mới quản lý làm khâu đột phá là đúng. Người phương Tây có câu nói rất thâm thúy, đại ý sức mạnh của quần chúng được nhân lên bao nhiêu lần là do người lãnh đạo.

Lẽ ra lúc này phải tập trung phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đại học, làm sao cho sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thì ta lại phấn đấu có trường đại học lọt vào Top 100 của thế giới và top 200 của Châu Á. Chỉ tiêu này cũng là một biểu hiện chạy theo bề nổi. Theo tôi, Giáo dục-Đào tạo Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền GDĐT thực học, khai phóng và dân chủ. 

Nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ
Khi phải bộc lộ quan điểm của tờ báo, vai trò người lãnh đạo rất quan trọng. Tổng Biên tập không cho, ai dám làm. Viết ra, ai duyệt, ai đăng? Thế giới người ta phạt Tổng Biên tập, chứ làm gì “tóm” người viết. Người ta nói vụ PM 18, xử mấy anh phóng viên là không trúng. Họ có quyền đăng đâu mà phạt họ? Báo Văn Nghệ thời Đổi mới hay là có Tổng Biên tập Nguyên Ngọc dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đấu tranh chống tham nhũng liên quan người có chức có quyền. Đổi mới là chống lại cơ chế cũ với những con người tạo ra cơ chế ấy, ít nhiều vẫn còn quyền lực và ảnh hưởng. Khi muốn đẩy một sự vật lên thì về nguyên lý, anh phải chịu lực đẩy lại ít nhất bằng trọng lượng của nó. Lực cản không hề nhỏ!

Phải cạnh tranh, tranh luận mới lộ chân lý. Trong cơ quan cũng vậy. Quyết định là bản lĩnh người lãnh đạo.

Thời chúng tôi, chỉ có tiêu chuẩn là viết hay và đúng.

Nhà văn Đỗ Chu

Mỗi người nói chung ở trên mọi cương vị đều cần thêm một chút nhân hậu. Cách mạng là chí lớn nhưng cũng là những tình cảm lớn. 

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng viện chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn

Do vai trò đặc biệt của nó, lúa gạo thực sự là “sản phẩm chính trị”. Nhìn ra các nước quanh vùng, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin luôn cần lương thực, xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc,… luôn lo củng cố nguồn cung lương thực, ngoài mối lo về an ninh lương thực, chúng ta còn chung nhau nhiều mối quan tâm an ninh khác. Đầu tư, hỗ trợ cho người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, cho ngư dân đánh cá ở Lý Sơn ra Trường Sa, Hoàng Sa... có tầm quan trọng to lớn hơn miếng cơm, manh áo của bản thân họ.

Tính lâu dài, chắc chắn châu Phi sẽ thiếu lương thực. Châu Phi mà đói thì châu Âu ra sao? Câu chuyện sẽ khác hẳn khi Việt Nam đóng góp quan trọng cho nhu cầu của châu Phi trong tương lai. Nếu xuất khẩu gạo để kiếm lời, thì đây là ngành hiệu quả thấp nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ chính trị thì đây là thế mạnh quan trọng của Việt Nam.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Trên thế giới, những hàng hóa mang tính chiến lược như dầu mỏ, đất hiếm, nguyên liệu hạt nhân,… luôn được các quốc gia có thế mạnh khai thác để định hình vị thế chính trị. Nếu nhìn nhận như vậy, phải có cách cư xử khác đối với lúa gạo từ thuế má, đầu tư, quy hoạch, tổ chức sản xuất, tổ chức kinh doanh, hợp tác quốc tế... 

ĐBSCL là vựa lúa, nhưng tỷ lệ trẻ con lại suy dinh dưỡng cao. Mù lòa vì thiếu vitamin A, bướu cổ vì thiếu i-ốt, còi cọc vì thiếu mỡ, thiếu đạm, canxi…Rồi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều gạo chưa phải là đủ, an ninh lương thực không phải chỉ là không bị đói.

"Tiến sĩ lúa gạo" Võ Tòng Xuân - Nguyên hiệu trưởng ĐH An Giang

Để sử dụng được nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao, chế độ lương bổng - tuy rất hấp dẫn nhưng không thể so sánh với việc được nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực, được tạo điều kiện thuận lợi nhất để làm việc. Việc đó không dễ nhưng hoàn toàn khả thi, nếu những người lãnh đạo biết mở lòng. 

Phải đặt họ vào vị trí thích hợp rồi tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người trẻ phát triển tài năng và sử dụng hiệu quả kiến thức tích lũy suốt những năm du học. Không nên dè chừng, ghen tỵ và nhìn họ như những cá nhân tiềm ẩn nguy cơ sẽ chiếm vị trí của mình nay mai. Được như thế, họ sẽ mang hết sức lực cống hiến cho đất nước.

Viện trưởng viện ĐH Cần Thơ Võ Tòng Xuân

Vân Sam