-Văn hóa vốn chuẩn mực, nhưng hạnh phúc đời người, và lễ hội không phải là bất biến.
Đầu xuân, như mọi lẽ thường tình, người Việt thường chúc cho nhau mọi điều tốt đẹp, nhất là hạnh phúc.
Hạnh phúc và… choảng nhau
Hạnh phúc vốn là khái niệm mở với mỗi con người và với mỗi thời cuộc. Là “miếng trầu” đỏ thắm trong cuộc giao lưu giữa con người với con người ngày đầu xuân năm mới.
Thế nhưng, xuân chưa qua, và dư âm cuộc tọa đàm về chủ đề hạnh phúc của con người do Tuần Việt Nam tổ chức mới đây với hai chuyên gia về quản lý XH còn chưa lắng, thì dư luận XH ngay trong những ngày xuân đã choáng váng vì tệ nạn “choảng nhau”.
Chẳng lẽ đầu năm mới đã phải đọc (nhại) câu thơ của Tú Xương năm nào Lẳng lặng mà xem chúng… choảng nhau.
Mà cái sự choảng nhau ấy không hề nhẹ: Chỉ trong mấy ngày Tết, số người đánh nhau đến mức phải nhập viện cấp cứu lên đến hơn 6.200 người.
Còn theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 07 ngày tết, các bệnh viện tiếp nhận gần 195.000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, hơn 5.000 người phải nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhất có 900 trường hợp và có 15 người tử vong. Những con số lạnh lùng mà không vô hồn. Bởi nó dường như gửi thông điệp cho cộng đồng về tính cách “thích chiến” của người Việt trong… thời bình.
Trong những ngày nghỉ Tết, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai dao động trong khoảng 250-300 người. Ảnh: T.A |
Đánh nhau là hiện tượng XH ở bất cứ quốc gia nào cũng có. Nhưng chỉ trong một dịp nghỉ tết, mà có tới 6.200 trường hợp đánh nhau, 15 người bỗng chốc trở về với cát bụi dù đang tuổi trẻ đầu xanh, quả là vô nghĩa và lãng xẹt!
Mà cái sự “thích chiến” giờ đây không chỉ vì lúc ngấm rượu bia. Ngay cả bình thường, người Việt chỉ cần va chạm nhỏ đã có thể thành … hỗn chiến. Hiện tượng hỗn chiến có thể diễn ra ở bất cứ đâu: Bệnh viện, công sở, nhà hàng… Dân thường hỗn chiến đã đành, đến cả sếp, khi cần cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Liệu hiện tượng đó có thể coi là bình thường không? Chắc chắn là không.
Kỳ lạ nữa, người Việt không chỉ đánh nhau khi va đập, còn sẵn sàng đánh nhau cả trong những lễ hội văn hóa. Mà câu chuyện buồn tranh cướp hoa tre, cướp trầu cau tại Lễ hội Gióng là một minh họa điển hình. Từ một lễ hội “cướp” mang tính biểu trưng lễ hội, sang hiện tượng “cướp” mang tính tâm lý XH. Văn hóa và phản văn hóa giờ đây luôn có bước nhảy hoàn vũ nghênh ngang tại các lễ hội, từ hiện đại như hội hoa xuân đến các lễ hội truyền thống.
Vậy nhưng, hãy nghe một quan chức- Phó Chủ tịch UBND Sóc Sơn nhìn nhận hiện tượng này thản nhiên như thế nào: “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường” (Zing.vn, ngày 24/02). Ô, nếu vậy, cứ thiếu là phải… cướp?
Nhiều năm trước đây, khi phân tích hiện tượng, các tình huống đánh nhau, thậm chí gây tử vong, có một “thủ phạm” dễ bị điểm mặt chỉ tên- rượu bia. Khi đó ai cũng dễ dàng đồng ý.
Nhưng giờ đây, trong bối cảnh XH hiện thời, thì rượu bia không chỉ là thủ phạm duy nhất. Nói như nhà báo- nhà văn Đoàn Bảo Châu, rượu bia chỉ là chất xúc tác.
Thủ phạm gây nên những cuộc tỉ thí bất kể, có lẽ có “tiền sử” phức tạp hơn nhiều.
Dễ thấy nhất, dễ bị điểm danh nhất, đó là giáo dục. Là sự dạy chữ mà ít dạy người- thiếu những kỹ năng văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, giải quyết các tình huống. Đặt những thế hệ người Việt trẻ thiếu kỹ năng sống, kỹ năng văn hóa ứng xử, làm việc trong một môi trường XH mà giặc “nội xâm” là tệ nạn, dư âm về mua quan bán tước dai dẳng, điều gì sẽ xảy ra với họ? Những người Việt trẻ mà thể chất sinh lực dư thừa, nhưng thiếu niềm tin và tinh thần, tâm hồn yếu ớt, liệu có mất phương hướng trong những thang bậc giá trị đúng- sai, tốt- xấu, hay- dở không rõ ràng hay không?
Cảnh chen lấn, xô xát xảy ra tại Hội Gióng ngày 24/2. Ảnh: Zing. |
Còn Gs Trần Ngọc Thêm (ĐHQG t/p HCM) thẳng thắn mổ xẻ: Ba nguyên nhân, bối cảnh chính gây ra tình trạng này là việc phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa. Pháp luật chưa nghiêm minh và người dân mất lòng tin vào hệ thống pháp quyền dẫn đến việc tự giải quyết những mâu thuẫn riêng; và cách quản lý, thực thi các chính sách văn hóa thiếu hiệu quả.
Kinh tế có thể đi lên, mà văn hóa sống đi xuống, liệu chất lượng sống, chất lượng người là số dương (+) hay số âm (-)?
Xin đừng coi nhẹ hiện tượng này. Bởi từ văn hóa, đạo lý xuống cấp đến tội ác, tội phạm có khi chỉ cách nhau … mấy phút.
Chợt nhớ tới cuộc tọa đàm “Chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân” do Tuần Việt Nam tổ chức trước tết ít ngày. Không phải vô lý khi ông Vũ Ngọc Hoàng, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TGTƯ cho rằng, có một yếu tố khác quyết định hạnh phúc của mỗi người dân, chính là môi trường cuộc sống- bao gồm môi trường về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, môi trường tự nhiên.
Trước đó, tháng 11/2014, nước Việt được Trung tâm NEF (Anh quốc) công bố là nước đứng thứ nhì thế giới về cuộc sống hạnh phúc (Thanh niên, ngày 21/11/2014), nhưng ngay lập tức, người dân Việt … chối đây đẩy, không chịu nhận.
Liệu người dân Việt có thực sự hạnh phúc không?
Hay đó mới chỉ là lời chúc đầu năm mới như một khát khao muôn đời nay?
Lễ hội văn hóa hay hủ tục?
Vụ việc choảng nhau khiến hơn 6200 trường hợp thương tích phải vào bệnh viện cấp cứu còn chưa lắng xuống, một vụ việc khác lại nổi lên ồn ào, quyết liệt hơn thế.
Nhưng khác với chuyện con người choảng nhau. Vụ việc này, có cả sự bất bình cùng bênh vực, có cả sự sợ hãi cùng biện minh nhân danh đủ các khái niệm “học thuật và văn hóa”. Đó là Lễ hội Chém lợn của làng Ném Thượng (tên cũ là Niệm Thượng), tỉnh Bắc Ninh được tổ chức hàng năm vào ngày 06 tháng giêng âm lịch.
Thực ra, người viết bài này, đã nhiều lần bỏ qua, không dám đọc các thông tin và hình ảnh trên các trang mạng về lễ hội này. Nhưng bất ngờ, nhìn hình ảnh con lợn đẹp đẽ béo múp tột cùng khiếp sợ, giẫy giụa bất lực trong khi bốn chân bị buộc chặt kéo căng ra trong đám đông nhốn nháo trước lúc thân hình bị chém đứt đôi một cách tàn khốc, đã bật khóc.
Theo đại diện của Bộ Văn hoá, việc thay đổi lễ hội là do cộng đồng địa phương quyết định. Ảnh: Animalsasia. |
Con người hoan hỉ trong cái không khí gọi là lễ hội, trước nỗi đau đớn, sợ hãi tột cùng của một con vật không cách nào tự vệ, và những đồng tiền vấy máu lợn đỏ chót với niềm tin ăn nên làm ra. Nếu coi sự hành hạ một cách đầy khoái cảm, nhân danh cái gọi là lễ hội văn hóa, có lẽ, đến khái niệm Văn hóa cũng phải che mặt vì… hổ thẹn!
Không phải vô lý, mà từ năm 2013, Tổ chức bảo vệ động vật châu Á (Animals Asia) đã phản đối quyết liệt lễ hội này khi gửi thông báo cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Theo đó, Chém lợn là lễ hội tàn bạo nhất. Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.
Trả lời phỏng vấn của VnExpress, ngày 29/1 mới đây, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ của tổ chức này cho rằng hành động đâm trâu, chém lợn hay bất kỳ lễ hội nào có lối đối xử tàn bạo đối với động vật có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người VN và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người.
Cũng theo ông Nguyễn Tam Thanh, trên thế giới đã có nhiều lễ hội, hoạt động liên quan tới sự tàn sát, đối xử ngược đãi động vật bị lên án và đã phải chấm dứt. Điển hình như Ấn Độ, mới đây đã ra lệnh cấm hiến tế động vật vì tính chất “độc ác” và “dã man” của tập tục này. Ở Đan Mạch, Bộ trưởng Nông nghiệp đã ký một sắc lệnh cấm giết mổ gia súc phục vụ cho nghi lễ tôn giáo mà không gây mê chúng trước khi giết mổ. Còn Chính phủ Australia đã cấm xuất khẩu cừu và gia súc còn sống sang Ảrập Xêút trong giai đoạn 1991-2000 sau khi hàng trăm con bị chết vì nắng nóng khi trên đường di chuyển tới vịnh Ba Tư.
Như vậy, vấn đề hành hạ, ngược đãi gia súc không phải là việc riêng của quốc gia nào, nhưng trước thông điệp của Tổ chức Động vật Châu Á, các quốc gia nói trên đã phải thay đổi cách ứng xử của mình. Đó cũng là dấu hiệu của sự nhận thức và thay đổi theo hướng văn minh của con người trong thế giới thiên nhiên, cùng các giống loài.
Tiếc thay ở nước Việt, dường như đã không có một sự thay đổi nào. Ngược lại, có không ít quan niệm bảo vệ cho quyền hành hạ gia súc, nhân danh một lễ hội văn hóa, lại là của các nhà nghiên cứu, thậm chí có cả của những vị đại diện nọ kia, với rất nhiều "mỹ từ". Có cảm giác các nhà nghiên cứu này chỉ thuần túy học thuật, bất cần thực tiễn đang diễn ra, đang vận động, biến chuyển theo hướng văn minh, bất cần cả… danh dự quốc gia.
Nào là, văn hoá nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông. Nào là, bỏ lễ hội là ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, làm nghèo văn hóa. Nào là, việc bỏ lễ hội sẽ tác động tiêu cực đến lòng yêu nước của người dân Việt Nam hiện nay v..v… và v…v…
Thú thực, người viết bài này nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi ý tứ hoa mỹ của phát ngôn văn hoá nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông. Chả lẽ, hành hạ tàn bạo và dã man một giống loài gia súc chuyên phải phục vụ cho cái dạ dày của con người, trong hoàn cảnh con vật không chút tự vệ, và vô cùng đau đớn, lại là tính nhân đạo, hơn nữa, còn là nhân đạo mênh mông?
Chả lẽ, chỉ vì bỏ một hủ tục không còn phù hợp với xu thế ứng xử của nhân loại văn minh, sẽ làm nghèo văn hóa của đất nước có tới hơn 8000 lễ hội lớn nhỏ, mà báo chí đã từng phê phán cho rằng quá tốn kém và lãng phí cả tiền của, thời gian lao động? Chả lẽ, lòng yêu nước của người Việt lại kém đến mức chỉ vì bỏ một hủ tục nhân danh lễ hội, lòng yêu nước lập tức sẽ bị… giảm sút?
Chỉ thấy kỳ lạ. Trên hành trình hội nhập với văn minh, văn hóa nhân loại, vẫn có không ít lý luận biện hộ cho những tập tục lỗi thời đến thành hủ tục. Kỳ lạ nữa, nó lại là sản phẩm của văn hóa Kinh bắc, xứ sở của những làn điệu quan họ thẫm đẫm tình người, tình đời, thấm đẫm chất nhân văn.
Văn hóa vốn chuẩn mực, nhưng hạnh phúc đời người, và lễ hội không phải là bất biến.
Cuộc tọa đàm “Chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân” do Tuần Việt Nam tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hạnh phúc mỗi thời cuộc rất khác nhau.
Nếu trước đây, hạnh phúc những năm tháng chiến tranh, đã được nhà thơ Dương Hương Ly minh định: Cho đến ngày ta cầm súng đi xa/ Miền Nam gọi hai đứa mình có mặt.
Rồi, hạnh phúc là cơm no, áo ấm
Rồi, hạnh phúc là XH giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhưng trong khi những mục tiêu to lớn chưa thể đạt được, thì xuân này, hạnh phúc đôi khi đơn sơ lắm- là không phải thấy người Việt… choảng nhau, đến thành tội phạm.
Lễ hội cũng vậy- không thể là bất biến.
Nếu xa xưa Chém lợn là lễ hội văn hóa, thì ở thời hội nhập văn minh của nhân loại, lại trở thành thứ hủ tục.
Bám mãi vào những hủ tục nhân danh văn hóa, tư duy con người chỉ có thể tiến gần đến sự… hủ lậu.
Kỳ Duyên