Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 3 và diễn đàn các bên liên quan lần thứ nhất Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), đại diện VEPG và Ngân hàng Thế giới đều kêu gọi Việt Nam chuyển dịch từ các nguồn năng lượng ô nhiễm sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Hai bên đều cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này và khẳng định “đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chăng cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam”.

Tuy nhiên, điều chưa được các đại biểu nhấn mạnh là tại nhiều nước phát triển, nhiệt điện than, điện hạt nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu điện của các quốc gia này. Thậm chí, sản lượng điện từ nhiệt điện than vẫn tăng lên hàng năm. Trong khi đó, Việt Nam đã tạm dừng chủ trương làm điện hạt nhân, do vậy việc đảm bảo nguồn điện cho thời gian tới là thách thức không nhỏ. Còn năng lượng tái tạo giá lại rất đắt đỏ.

{keywords}
Nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng

Trả lời băn khoăn này của PV. VietNamNet tại cuộc họp báo bên lề hội nghị, ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định không thể bỏ nhiệt điện than trong “một sớm một chiều”.

“Chúng ta phải chuyển đổi từ từ, không thể đột ngột yêu cầu ngay trong 1 ngày chuyển từ điện than sang năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo”, ông Pier Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Ông Pier Giorgio Aliberti cho rằng phải tìm ra được sự cân đối tỷ trọng giữa các nguồn năng lượng trong hệ thống điện quốc gia, bởi “không thể nói 100% nguồn điện này hay 100% nguồn điện kia”.

EU đang phấn đấu trở thành lục địa đầu tiên có nhiều nguồn năng lượng xanh, sạch. “Hiện chúng tôi mới có 30% là năng lượng tái tạo, như vậy chúng tôi đã giảm được 30% điện than so với những năm 90”, ông Pier nói và hứa sẽ tiếp tục đi theo hướng này.

Ông Pier cho hay chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm hơn, không còn quá cao như trước.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lưu ý, tất cả nguồn năng lượng phải được tận dụng hiệu quả. Về giải pháp cung ứng điện, ông Đặng Hoàng An kêu gọi phải tăng nguồn cung và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng hơn nữa. Bởi hiện nay tốc độ tăng nhu cầu điện vẫn còn khá cao, gấp 1,5-1,8 lần tốc độ tăng GDP.

Lương Bằng

Than hết nước cạn, Việt Nam lại phải tính điện hạt nhân

Than hết nước cạn, Việt Nam lại phải tính điện hạt nhân

 Điện mặt trời dù phát triển bùng nổ thời gian qua cũng không "gánh" được nguồn điện bị thiếu hụt. Lượng còn lại phải bù bằng các nguồn điện truyền thống khác như điện than, điện khí, thuỷ điện, thậm chí phải tính đến làm điện hạt nhân.