TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII và XIV đã có gần 35 năm gắn bó với quan hệ Việt - Nhật. Ông đã từng làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Tổng thư ký Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật, Chủ tịch đầu tiên Câu lạc bộ cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, người được trao Huân chương Mặt trời mọc… Ông có nhiều kỷ niệm về cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Ông Khải cho rằng, ông Abe sống rất khiêm nhường, điềm đạm, cuộc đời chính trị của ông đã đạt đỉnh vinh quang và những thành tựu mang tầm vóc toàn cầu. Mặt khác, với bản lĩnh của nhà chính trị chuyên nghiệp, ông Abe đã từng trải qua những thăng trầm, chấp nhận thất bại, thử thách để rồi tiếp tục thành công.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dự lễ quốc tang cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tokyo (Nhật Bản). Theo ông, với việc người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tham dự lễ quốc tang thể hiện điều gì?
Mỗi động thái ngoại giao của một quốc gia đối với một quốc gia khác đều được cân nhắc và quyết định chủ yếu căn cứ vào vị thế, tầm vóc và nguyên tắc đối đẳng của quan hệ song phương đối với quốc gia đó. Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh châu Á tháng 3 năm 2014 trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trên thực tế thì “đối tác chiến lược sâu rộng” có thể hiểu là một cách diễn đạt khác của quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Số quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện, chiến lược sâu rộng đến nay mới chỉ là 4.
Hơn nữa, thành tựu thực chất của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực khẳng định rằng Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản trên 10 năm, ông Abe Shinzo đã có đóng góp vô cùng to lớn để xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Nhật đạt được thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử. Ông cũng xây dựng được quan hệ tin cậy, thân thiện với nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dự lễ quốc tang cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thể hiện tình cảm, sự ghi nhận của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp to lớn của cựu Thủ tướng Abe Shinzo cũng như tình cảm của ông đối với đất nước và nhân dân ta.
Năm 2023 hai nước sẽ long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật (21/9/1973 – 2023). Có thể nói, quan hệ Việt - Nhật được phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên cả 4 lĩnh vực: ngoại giao nhà nước, ngoại giao đảng cầm quyền, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân.
Nói về ngoại giao nghị viện, năm 1995 (nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX) Quốc hội Việt Nam thành lập Tổ chức nghị sỹ hữu nghị Việt Nam với 5 Nhóm nghị sỹ hữu nghị đầu tiên, trong đó có Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ Thư ký Nhóm.
Điều đặc biệt được phía Nhật Bản đánh giá rất cao là trong liên tục 5 khóa Quốc hội gần đây đều do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Chủ tịch Nhóm. Bước đi và lịch sử ngoại giao nghị viện với Nhật Bản như trên xuất phát từ đặc điểm là Nhật Bản họ rất coi trọng vai trò của hoạt động nghị sĩ hữu nghị.
Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt được thành lập từ sớm, gồm khoảng 150 nghị sỹ đại diện cho các đảng trong Quốc hội Nhật Bản và do nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng của Nhật Bản đứng đầu như cố Thủ tướng Obuchi, cựu Phó Thủ tướng Michio Watanabe, Tổng thư ký Đảng Dân chủ - Tự do cầm quyền như Taku Yamasaki, Tsutomu Takebe, Toshihiro Nikai…Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã từng giữ chức Chánh văn phòng của Liên minh.
Khi biết tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời, trên mạng xã hội và thực tế khi Đại sứ quán Nhật Bản mở sổ tang rất nhiều người Việt Nam bày tỏ niềm xót thương chia buồn, có lẽ hiếm có vị chính khách nước ngoài nào mà người dân Việt Nam lại dành nhiều tình cảm đến thế?
Ngày 11/7/2022 tôi cùng các anh chị em trong Câu lạc bộ Cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đã đến Đại sứ quán Nhật Bản để viếng ông Abe Shinzo và ký sổ tang. Tôi đã chứng kiến dãy dài những công dân Việt Nam mang theo hoa, ảnh của cố Thủ tướng Abe đến viếng.
Việc người dân Việt Nam bày tỏ tình cảm vô cùng thương tiếc đối với sự ra đi của ông Abe Shinzo có nhiều lý do. Trước hết, ông Abe là nhà lãnh đạo lâu năm, có uy tín và công lao lớn trong sứ mệnh xây dựng quan hệ Việt – Nhật đạt đỉnh cao như ngày nay. Mối quan hệ tốt đẹp đó đã lan tỏa, đem lại giá trị thiết thực cho các tầng lớp người dân hai nước.
Có thể nói, trên mỗi chặng đường xây dựng quan hệ Việt – Nhật gần hai thập kỷ qua đạt được những thành tựu rực rỡ như ngày nay đều ghi đậm công lao, dấu ấn của ông Abe Shinzo. Ngoài ra, người Việt Nam chúng ta rất ngưỡng mộ, trân trọng nền văn hóa, tinh thần và phong cách người Nhật, mà ông Abe Shinzo là một đại diện rất tiêu biểu. Đặc biệt là văn hóa biết ơn, cảm ơn.
Tôi còn nhớ, ngay sau trận động đất sóng thần kinh hoàng xảy ra tại miền Đông Bắc Nhật Bản 11/3/2011, tôi (với tư cách Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản) được giao tổ chức lễ phát động hoạt động quyên góp ủng hộ nạn nhân trong thảm họa đó. Có thể nói đã rất lâu trước đó chưa có đợt quyên góp nào được truyền thông, lan tỏa sâu rộng trong dân chúng đến như vậy, cũng như đạt kết quả, ý nghĩa to lớn đến như vậy.
Rất nhiều người dân còn nhớ nghĩa cử tri ân của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội được thể hiện trên tấm biểu ngữ treo trên tường bao quanh tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản trong những ngày tháng không quên đó.
Trong hơn 30 năm qua, gắn bó với đất nước, con người Nhật Bản và đặc biệt từng tiếp xúc với cựu Thủ tướng Abe Shinzo, vậy kỷ niệm đáng nhớ của ông với ông Abe?
Năm 1988, tôi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của xứ hoa anh đào để làm nghiên cứu sinh theo diện học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Đến nay đã 34 năm trôi qua, trong trái tim và ký ức của tôi đầy ắp những kỷ niệm tốt đẹp cũng như lòng biết ơn của tôi đối với các thầy giáo, đối tác, đồng nghiệp, bạn bè Nhật Bản.
Tôi được tiếp xúc trực tiếp với ông Abe là tháng 8/2004 trong chuyến thăm Nhật Bản của Đoàn đại biểu Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản do ông Trần Đình Hoan, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm làm trưởng đoàn. Khi đó tôi làm Tổng thư ký của Nhóm.
Biết tôi từng là nghiên cứu sinh ở Nhật, ông Abe thể hiện sự quý mến và rất quan tâm. Tôi và ông Abe nói chuyện bằng tiếng Nhật. Ông hỏi tôi học ở thành phố nào, chuyên môn gì, học sinh Việt Nam có cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi du học ở đây không… Tôi báo cáo rằng được học tập, nghiên cứu và nhận bằng Tiến sỹ tại Nhật Bản là niềm vinh dự và bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời tôi. Ông Abe lúc đó 50 tuổi và đang là Tổng Thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (nhân vật quan trọng thứ hai trong Đảng).
Trong suốt những năm tại nhiệm, Thủ tướng Abe Shinzo luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên nước ngoài đã và đang học tập tại Nhật Bản. Đáp lại, họ cũng coi ông là thần tượng.
Đến năm 2012, sau những vấn đề sức khỏe và do Đảng Dân chủ Tự do thất thế trong vai trò đảng cầm quyền, ông Abe trở lại vị thế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai, ông đã chọn Việt Nam là nước ngoài đầu tiên tiến hành cuộc thăm chính thức. Tôi cũng được mời đến dự chiêu đãi và tiếp cận ông. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 2014, tôi đã vinh dự tham gia làm thành viên của đoàn và dự một số hoạt động do Thủ tướng Abe Shinzo chủ trì.
Đặc biệt, tôi đã được tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 6/2017. Trước đó, tôi đã dịch cuốn sách Kyojinka – tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và Thế giới từ nguyên bản tiếng Nhật. Đây là cuốn sách gồm các bài viết của các chính trị gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu Nhật Bản.
Cuốn sách được Thủ tướng Abe Shinzo viết lời tựa, trong đó nhấn mạnh: ”Nhật Bản là một đất nước tươi đẹp nhưng cũng là một quốc gia hứng chịu rất nhiều thảm họa… Kế hoạch khôi phục đất nước theo hướng xây dựng Nhật Bản vừa mạnh mẽ, vừa dẻo dai không đơn thuần chỉ dừng lại trang bị môi trường vật chất, mà còn là kế hoạch phát huy truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Nhật Bản”.
Bản tiếng Việt cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lời giới thiệu, trong đó đánh giá cao những kinh nghiệm, triết lý tồn tại và phát triển, giá trị văn hóa quý báu của nhân dân Nhật Bản được đề cập trong cuốn sách quý này. Nhân chuyến thăm Nhật Bản này, Thủ tướng đã tặng cuốn sách Kyojinka (bản tiếng Việt) cho Thủ tướng Abe. Ông đã vui vẻ đón nhận.