Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án 2024, trong đó có vấn đề xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2024 có 912.891 việc phải thi hành, trong đó có 671.979 việc có điều kiện thi hành. Về tiền, tổng số phải thi hành là hơn 481.223 tỷ đồng, trong đó có gần 272.240 tỷ đồng có điều kiện thi hành.

uybantuphap 1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp. Ảnh: QH

Trong đó, các cơ quan đã thi hành xong 465.465 việc (tăng 31.752 việc so với cùng kỳ năm trước), đạt tỷ lệ 69,27% với gần 87.211 tỷ đồng (tăng hơn 10.077 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 31,69%.

Về thi hành án dân sự, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Theo đó, đã thi hành xong 3.015 việc trong tổng số 5.215 việc có điều kiện thi hành và thu hồi trên 12.156 tỷ đồng trong tổng số 50.580 tỷ đồng có điều kiện thi hành.

“Kết quả thi hành án trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng 77,04% về việc”, Chính phủ báo cáo.

Tài sản phải xử lý trong án tham nhũng rất lớn

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà lưu ý, tỷ lệ thi hành án xong về tiền đạt thấp (31,69%), lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao.

Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc nhưng lại giảm mạnh về số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, 10 tháng năm 2023, trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, thi hành án xong 1.703 việc, nhưng thu hồi trên 19.818 tỷ đồng.

doduchongha.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà

Bên cạnh đó còn có tình trạng vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, xử lý tài sản, vật chứng và quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng và thi hành án nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án.

Tăng cường sự chỉ đạo và có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, là kiến nghị tiếp theo nhóm nghiên cứu kiến nghị.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề nghị bổ sung, làm rõ thêm số liệu vụ việc cưỡng chế không thành; số liệu các vụ việc chậm giao tài sản cho người trúng đấu giá ngay tình theo quy định của pháp luật; số liệu về cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Tài sản tham nhũng đưa ra bán đấu giá rất khó khăn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, năm 2024, số việc và và số tiền thụ lý mới tăng rất cao trên 11% số việc và tăng trên 40% số tiền, trong khi tính chất vụ việc ngày càng phức tạp.

Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Tài sản nào đủ điều kiện, đủ cơ sở pháp lý để xử lý thì đều tập trung giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tư pháp cho hay, có rất nhiều tài sản trong các vụ việc đang tập trung xử lý còn vướng mắc nên dẫn đến việc thu hồi tài sản giảm mạnh về tiền so với năm trước.

Ông Khôi dẫn chứng như đất có công trình xây dựng trái phép nhưng nhiều thửa đất không xác định được ranh giới, giấy chứng nhận thì cấp trùng lắp. Đặc biệt, với tài sản này, đưa ra bán đấu giá rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian.

MaiLuongKhoi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. Ảnh: QH

Chẳng hạn như trường hợp nhà 31 Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đứng tên Phan Văn Anh Vũ dưới 11 tỷ mà bán đấu giá tới 10 lần chưa ai mua.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng nêu thực tế tài sản phải xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, chủng loại đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều trường hợp chưa đủ thông tin, cơ sở pháp lý nên việc xử lý mất nhiều thời gian.

Chỉ tính riêng 81 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi đang tổ chức thi hành, đã có trên 3.500 tài sản phải xử lý, trong đó 1.226 tài sản là quyền sử dụng đất. Như vậy, trung bình phải xử lý 430 tài sản trong 1 vụ.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định đặc thù trong xử lý tài sản để thu hồi cho Nhà nước; quy trình thủ tục thi hành án dân sự chưa bảo đảm tính đơn giản, hiệu quả.