Từ cuộc đua giành khách hàng

Nguyễn Ly (29 tuổi, TP.HCM) là một nhân viên văn phòng khá bận rộn với công việc truyền thông và kinh doanh BĐS. Do không có thời gian đi mua hàng trực tiếp, điện thoại của cô đang cài 3 ứng dụng gồm Lazada, Tiki, Shopee để tiện đặt hàng online.

“Mỗi bên đều có các đợt giảm giá, khuyến mãi khác nhau. Cài nhiều ứng dụng để nhiều cơ hội săn sale trực tuyến, so sánh giá phù hợp thì tôi mua”, Ly nói. 

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn mượn bất kỳ một chiếc smartphone trên tay ai đó và thấy hàng loạt ứng dụng phục vụ cho mua sắm trực tuyến như vậy cùng xuất hiện. Theo Báo cáo “Kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á năm 2020" của Google, Temasek và Bain&Company, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam chiếm tới 41%, cao hơn Philippines (37%), Malaysia (36%), Thái Lan (30%) và cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (36%). Hơn nữa, 43% người Việt sử dụng Internet nhằm phục vụ tìm kiếm thông tin, mua hàng. 

Thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo phát triển nhanh trong khu vực (ảnh minh họa)

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến năm 2020 là 49,3 triệu người, với giá trị mua hàng trực tuyến khoảng 240 USD (5,5 triệu đồng)/người/năm.

Sau dịch Covid-19, lượng khách mới đổ bộ lên không gian mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Cuộc chơi không chỉ của các sàn TMĐT, hệ thống phân phối cũng nhận thấy dịch bệnh làm thay đổi nhu cầu mua sắm, phong cách sống và hành vi tiêu dùng, cùng với đó là sự phát triển nhanh của công nghệ. Tất cả những yếu tố trên thúc đẩy các DN chạy đua cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng, giữ thị phần.

Cụ thể, để đáp ứng sự thay đổi hành vi mua sắm sau đại dịch, Aeon Việt Nam phát triển mô hình bán lẻ đồng thời kiến tạo hệ sinh thái cư dân Aeon. Song song, thúc đẩy phát triển các ứng dụng di động, phương thức mua sắm đa kênh, thanh toán không tiền mặt bằng ví điện tử, quầy thanh toán tự động.

Ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam - cho biết, ngoài khách hàng B2C (khách hàng cá nhân), đơn vị này hướng tới cá nhân hóa trải nghiệm cho B2B (khách hàng doanh nghiệp) với việc phát triển ứng dụng riêng. Sau khi khách hàng được cấp tài khoản, hệ thống siêu thị tự động chọn lọc, cung cấp sản phẩm, ngành hàng liên quan, phù hợp với mỗi khách hàng. Thông tin gần 40.000 sản phẩm được trực quan hóa, cá nhân hóa tới từng DN để việc đặt hàng tiết kiệm thời gian, công sức.

Trong khi đó, Chủ tịch Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho hay, tập đoàn thực hiện chuyển đổi và số hóa nền tảng B2C, đồng thời đảm bảo nền tảng này hoạt động hiệu quả với các đối tác B2B trong thời gian tới cùng hơn 300.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống mà hệ sinh thái Masan đang phục vụ.

Tới những kho hàng tự động khổng lồ

Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021”, ngành TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng 18% vào năm 2020 với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Một dự báo đưa ra, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT dự kiến đạt 56 tỷ USD vào năm 2026.

Có thể thấy, sự bùng nổ của thương mại điện tử (cả B2B và B2C) mang đến thách thức đối với các đô thị châu Á, đặc biệt là tình trạng giao thông tác nghẽn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giao hàng. Các thương hiệu, nhà sản xuất và nhà phân phối chịu áp lực trong việc tìm ra những cách thức nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Một địa điểm kho phục vụ luân chuyển hàng hóa (ảnh: NVCC)

Lúc này, những Trung tâm phân phối, kho hàng đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc giao sản phẩm đến cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng trong khu vực. Đây được xem là những “Trung tâm hậu cần” giúp đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.

Đó là lý do Masan đang thí điểm chuỗi cung ứng của tương lai, bao gồm các kho hoàn thiện đơn hàng và “dark store” (trung tâm thực hiện đơn hàng online, không phục vụ khách hàng mua trực tiếp) trong các siêu thị ứng dụng công nghệ AI, Machine learning (máy học) vận hành tự động. 

Thông qua cơ chế tập trung hóa, ứng dụng công nghệ, DN hướng tới rút ngắn quãng đường, tăng sức chứa, quy hoạch cung - cầu, giảm thất thoát và tối ưu hóa mức tồn kho trong chuỗi giá trị tiêu dùng. Đây có thể là chìa khóa cải thiện khả năng đáp ứng đơn và giao hàng chặng cuối đến tay người tiêu dùng. Việc đưa ra giải pháp bán lẻ mới cho đối tác thương mại truyền thống chính là cách giảm giá mặt hàng thiết yếu từ 5-10% trong bối cảnh kênh phân phối truyền thống như chợ vẫn chiếm đến 90% thị trường bán lẻ. 

Tương tự, Cainiao - đơn vị logistics thuộc Tập đoàn Alibaba - đã công bố phát triển Trung tâm kho vận thông minh Cainiao Đồng Nai. Trung tâm kho vận này sẽ cung cấp khoảng 90.000m2 để hỗ trợ nhu cầu chuỗi cung ứng đang tăng nhanh của các DN.

FM Logistic cũng mở Trung tâm phân phối đô thị mới có diện tích 20.000m2 tại TP. Dĩ An (Bình Dương). Đây là địa điểm kho phân phối cho các DN trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và ngành bán lẻ. Mức độ tự động hóa cao tại kho, với máy phân loại tự động; máy đóng gói theo yêu cầu; hệ thống soạn hàng “tận tay” (goods to person); xe dẫn đường tự động và robot di chuyển trong nhà kho.

Với sự bùng nổ của TMĐT tại Việt Nam, đơn vị quản lý chuỗi cung ứng hậu cần này đặt mục tiêu doanh thu trong năm tài chính 2025-2026 đạt 30 triệu EUR, khoảng 730 tỷ đồng. 

Không gian bên trong một trung tâm kho vận tại Bắc Ninh (ảnh: NVCC)
Cửa ra/vào hàng hóa (ảnh: NVCC)

Trần Chung 

Chấm điểm gọi điện thoại, bật bóng đèn, mua đồ ăn... để cho khách vay tiềnDựa trên hành vi tiêu dùng, hành vi sử dụng điện thoại, điện, mua sắm,... trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra bức tranh về độ tin cậy của mỗi người và chấm điểm tín dụng cho họ. 1 tỷ người đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vi mô của ngân hàng.