- Shangri-La 2016 kết thúc đúng như dự đoán. Không những là một “bữa tiệc” truyền thông với tranh luận chính sách từ các đại diện cấp cao và các cuộc thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề an ninh quan trọng. Mà còn là một diễn đàn thách thức các ngôn từ của quan hệ Trung-Mỹ. 

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trong ngày đầu tiên và Phó Tham mưu Trưởng của Hội đồng Quân ủy Trung ương Trung Quốc – Đô đốc Ngô Kiến Quốc phát biểu vào ngày thứ ba, trong phiên toàn thể thứ tư về các thách thức trong giải quyết xung đột. Đây là một điểm khác lạ trong đối thoại lần này khi đại diện Trung Quốc phát biểu vào ngày thứ ba, thay vì ngày thứ hai của hội nghị. 

Nhìn lại lịch sử với những cuộc “đọ sức” thú vị. Năm 2013, đối thoại đã chứng kiến sự leo thang chỉ trích đối với Trung Quốc từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông và kéo theo là sự phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Vào 2014, Tướng Wang Guangzhong, Phó Tham mưu trưởng của PLA đã đi chệch bài nói được chuẩn bị trước để phản pháo chỉ trích một ngày trước đó từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 bao gồm 5 phiên toàn thể và 2 phiên đặc biệt. Trong đó, 5 phiên toàn thể sẽ xoay quanh các nội dung: (i) Các thách thức an ninh phức tạp của châu Á; (ii) kiềm chế cạnh tranh quân sự tại châu Á; (iii) xây dựng chính sách phòng thủ trong các thời điểm bất ổn; (iv) các thách thức trong giải quyết xung đột; (v) theo đuổi các mục tiêu an ninh chung. Còn mỗi phiên đặc biệt sẽ bao gồm ba chủ đề diễn ra song song, phiên đặc biệt 1 gồm có: (i) kiềm chế mối đe dọa Triều Tiên; (ii) phát triển năng lực quân sự: các công nghệ mới, giới hạn ngân sách và các lựa chọn khó khăn; (iii) các thách thức an ninh đến từ sự di cư bất thường. Phiên đặc biệt 2 sẽ có: (i) thúc đẩy hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố jihadi (thánh chiến) tại châu Á; (ii) kiềm chế căng thẳng biển Đông; (iii) xác định các các lợi ích an ninh chung trên không gian số. 

Biển Đông tiếp tục là một trong những vấn đề trọng điểm khi nói về an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề này được thể hiện trong hầu hết các bài diễn văn quan trọng. Các diễn tiến thực địa được các chính trị gia và nhà ngoại giao nhắc đến như những điểm nhấn quan trọng. Từ 2014 đến 2016 đánh dấu giai đoạn đầy biến cố với sự gia tăng căng thẳng nhanh chóng tại biển Đông bắt nguồn từ các hành động nạo vét, cải tạo hạ tầng và xây dựng đảo nhân tạo cùng các cơ sở quân sự của Trung Quốc. 

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhìn nhận tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia ASEAN là vấn đề an ninh “cấp bách nhất” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.

Không chỉ tạo ra hàng loạt “tàu sân bay không thể chìm” trên Biển Đông, các bước đi này còn biến các đảo được cải tạo trở thành những cứ điểm chiến lược quan trọng trên “bàn cờ vây” Biển Đông. 

Tờ South China Morning Post số ra ngày 1/6/2016 dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Chuyên gia William Choong trong bài viết đăng trên IISS vào 1/6/2016 cũng đề cập đến yếu tố phản ứng của các nước ASEAN trước phán quyết của PCA: “Nếu các quốc gia ASEAN không thể ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết, Trung Quốc sẽ trở nên rảnh tay trong vấn đề Biển Đông”. Khi đó, Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ để trả đũa phán quyết của PCA và dằn mặt hành động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. 

Bên cạnh đó, sự nóng lên về mặt thực địa này cũng đang song hành cùng sự nóng lên trên mặt trận pháp lý, khi Philippines và hàng loạt các nước có tranh chấp với Trung Quốc đang chờ đón phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài PCA đối với 15 đệ trình Philippines đệ trình từ tháng 1/2013. 

Dù đã tuyên bố không tham gia và phủ nhận giá trị pháp lý của các phán quyết do Tòa trọng tài đưa ra, nhưng là một thành viên của Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), việc không tuân thủ các phán quyết sẽ đẩy Trung Quốc vào thế lưỡng nan về tính chính danh. Cụ thể là việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết sẽ mâu thuẫn với việc viện dẫn UNCLOS cho các yêu sách trên Biển Đông và kêu gọi các nước khác giải quyết theo luật pháp. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nước này như một cường quốc có trách nhiệm trên trường quốc tế. 

Theo truyền thông Trung Quốc, Đối thoại Shangri – La trong nhiều năm qua đã có sự chuyển đổi trọng tâm. Từ ban đầu tập trung vào các vấn đề an ninh và các mối đe dọa truyền thống, dần dần chuyển sang các hợp tác an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, khủng bố, hải tặc.. Sự đa dạng về trọng tâm giúp diễn đàn này trở nên toàn diện và khách quan hơn trong vai trò điều phối khả năng hợp tác, đảm bảo an ninh khu vực nói chung giữa các quốc gia. 

Tuy nhiên, diễn đàn các năm gần đây, các chủ đề nặng về quân sự (an ninh truyền thống) lại đóng vai trò chủ đạo. Trong khi, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nhấn mạnh trọng tâm của phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại lần này (do Phó Tổng tham mưu trưởng Ngô Kiến Quốc dẫn đầu) là vai trò quản trị phối hợp giữa các cường quốc trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định chung cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng nhân Hội nghị này để tiếp xúc song phương với một loạt các phái đoàn quốc phòng cấp cao của các quốc gia quan trọng.

Trọng tâm này hoàn toàn hướng đến các vấn đề chung của khu vực, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, chứ chưa đề cập đến các vấn đề cụ thể như tranh chấp Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu còn khẳng định: thế giới thực tế không chỉ xoay quanh các lợi ích của Mỹ, và Trung Quốc không sợ bất kỳ mối đe dọa nào từ Mỹ cũng như việc phải đối phó với dư luận do Mỹ tạo ra. 

Trong một diễn biến khác, trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được đồng thuận với một loạt các quốc gia trong vấn đề Biển Đông. Theo dõi các thông tin công bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ thấy Ngoại trưởng nước này diễn giải lập trường dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ từng trường hợp cụ thể, chứ không giữ nguyên quan điểm “đàm phán song phương” trong mọi thỏa thuận, nên dễ đạt đồng thuận với các vấn đề còn lại (chống quốc tế hóa, chống can thiệp từ bên ngoài, đảm bảo tạo môi trường hòa bình ..). Sự đồng thuận do đó không thể hiện quan điểm của đa số các quốc gia ngả theo lập trường “đàm phán song phương” của Trung Quốc.

Nói cách khác, Trung Quốc sẽ chú trọng vào các vấn đề hợp tác và quản trị rủi ro an ninh nói chung nhằm phân tán áp lực và kêu gọi sự cùng tham gia đảm bảo an ninh của nhiều quốc gia có đồng thuận quan điểm, đồng thời sẵn sàng chịu đựng các kịch bản chỉ trích xấu nhất từ Mỹ và các nước về vấn đề Biển Đông.

ThS Lục Minh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh.

Tuấn Trần (từ Singapore)