Ankara ngày càng trở nên táo bạo với chính sách ngoại giao của mình, nhưng chọc tức Nga có thể sẽ là một bước đi quá xa.
Theo báo Anh The Guardian, năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nặng lời với người đồng cấp Israel khi đó là Shimon Peres, cáo buộc ông hành động tàn bạo ở Gaza. Điều này làm hài lòng không những cử tri Thổ Nhĩ Kỳ mà cả thế giới Ảrập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP) |
Erdogan đã trở thành một nhân vật lớn của Mùa xuân Ảrập nổ ra sau đó. Ông còn định mang lại sự thay đổi ở Syria nhưng đã sớm thất vọng khi Tổng thống Bashar al-Assad không đáp lại lời ông kêu gọi cải cách theo một mô hình "dân chủ Hồi giáo" kiểu Erdogan.
Nghĩ rằng ông Assad sẽ sớm phải từ bỏ quyền lực, ông Erdogan đã không làm gì để ngăn chặn cuộc chiến bùng nổ ở quốc gia láng giềng, thậm chí đón nhận hơn 2 triệu người tị nạn tràn sang từ bên kia biên giới.
Có thể Erdogan chắc mẩm họ sẽ sớm trở về nước nhưng sự thật lại không như vậy khi xung đột ở Syria ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự nổi dậy của người Kurd ở biên giới, nhóm người có thể trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, vì phía đông nam nước này gồm chủ yếu người Kurd.
Sau đó thì Nga can thiệp, trực tiếp ủng hộ ông Assad và đẩy lui các đối thủ của ông này. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 Nga, một hành động chưa từng có tiền lệ ngay cả trong Chiến tranh Lạnh.
Dù sự kiện này dẫn tới đâu thì hậu quả cũng lớn tới mức đủ sức khiến giới hoạch định chính sách ngoại giao của Ankara phải luyến tiếc quá khứ.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ có được hình dạng như hiện nay vào năm 1923, có rất nhiều loại vấn đề chưa được giải quyết.
Một trong số đó là đường biên giới giáp miền bắc Iraq. Người Anh định ra đường biên này năm 1926 với các tính toán về lợi ích dầu mỏ nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ coi phần đó của thế giới là tự nhiên thuộc về họ.
Tuy nhiên, họ chấp nhận dàn xếp, và cho tới gần đây vẫn theo đuổi một chính sách ngoại giao thận trọng: êm ấm trong nước, yên ổn ở nước ngoài; không mạo hiểm.
Nhiều năm sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đường lối này và cực kỳ thận trọng, đặc biệt ở những nơi người Nga quan tâm.
Lý do rất đơn giản: Nga rất mạnh, từng đánh bại Đế chế Ottoman trong hàng chục cuộc chiến nhưng lại góp phần quyết định bảo vệ nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ mới. Người Nga gửi vàng và vũ khí cho những người dân tộc Thổ, và đạt một thỏa thuận về các đường biên.
Nhưng tất cả dường như đã kết thúc sau Thế chiến II, khi Stalin yêu cầu một căn cứ ở Dardanelles và các vùng lãnh địa ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Người Anh và Mỹ ủng hộ người Thổ, và người Thổ từ bỏ quan điểm trung lập, gia nhập NATO, chiến đấu trong cuộc chiến Triều Tiên.
Nhờ địa thế quan trọng, nước này có được một vị trí ưu tiên: Hàng nghìn sinh viên ra nước ngoài du học, nhận được giúp đỡ rất nhiều từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiếp cận với các thị trường châu Âu và đặc biệt là thị trường lao động Đức.
Mối liên hệ Anh - Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Trung Đông - và nước này giờ có một nền kinh tế lớn hơn bất kỳ một đối thủ nào trong khu vực.
Vì liên minh với Mỹ ít nhất cũng đưa đến một nền dân chủ, người Thổ có một cuộc bầu cử tự do vào năm 1950. Chính phủ trở nên đa đại diện khi người Hồi giáo có thể cạnh tranh các vị trí.
Nhân vật vĩ đại thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là Turgut Ozal, Tổng thống thứ 8 của nước này từ năm 1989 đến 1993. Ông đã mở cửa Thổ Nhĩ Kỳ ra thế giới xuất khẩu và tạo ra một đất nước thành công ngày nay.
Ozal có một nền tảng tôn giáo chuẩn mực nhưng hiểu rõ thế giới và biết sẽ có vấn đề thực sự nếu đẩy tổn giao đi quá xa. Trên tất cả, ông hiểu tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống đối ngoại thận trọng.
Ozal là một Thatcher của Thổ Nhĩ Kỳ và vào thập niên 1980, sự giải phóng năng lượng đã mang lại phồn thịnh cho nước này - giao thương với toàn thể thế giới, hãng hàng không thuộc diện tốt nhất, các nhà văn được nhiều người đọc nhất, chính phủ được mọi nơi tham vấn ý kiến.
Ozal qua đời năm 1993 và không ai kế thừa di sản ông để lại. Thay đó là đảng tôn giáo AKP với nhà lãnh đạo toàn quyền là Recep Tayyip Erdoğan, người đặt ra nhiệm vụ phải nuôi dưỡng "các thế hệ hiếu thảo" và tích cực giúp các đồng minh của Tình Anh em Hồi giáo trong cuộc chiến Syria.
Một trong những ưu tiên của Erdogan là hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cuộc phiêu lưu của ông đến giờ khá thành công, nhưng nó lại khởi đầu một sự chuyển hướng lớn về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng ở thế cao và có tiếng nói với nhiều nước trên thế giới. Thủ tướng Đức Merkel đã đến để đề nghị Ankara giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng di dân trong khi châu Âu đồng ý thay đổi hệ thống nhập cảnh tạo thuận lợi cho các thương gia Thổ Nhĩ Kỳ. Người Mỹ cũng trở nên "dễ chịu".
Tuy nhiên, trước kẻ thù ngày càng hung bạo là IS, rất có thể các cường quốc phương Tây sẽ quay sang hợp tác với Nga. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cô lập. Do vậy, nếu có một bài học cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, thì đó là đừng nên chọc tức Nga.
Thanh Hảo