Theo Insider, trong ngày 28/9 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi Mỹ, Nga và Ukraine thực hiện thực hiện đối thoại nhằm chấm dứt xung đột.
"Người đứng đầu nước Mỹ cần giữ một cái đầu lạnh, đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn với vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt. Hãy hoàn thành một thỏa thuận hòa bình ngay bây giờ, cả Nga và Ukraine đều muốn điều này, cả thế giới cần điều này. Tôi sẽ là người đứng ra dàn xếp một cuộc gặp", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ngoài ra, ông Trump cũng khẳng định, vấn đề tại Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông vẫn là Tổng thống Mỹ.
Ukraine công kích 10 khu vực tập trung quân Nga
Theo Pravda, trong ngày 29/9, Bộ Chỉ huy chiến dịch miền Nam Ukraine cho biết, quân đội nước này đã thực hiện các cuộc pháo kích và không kích, nhắm vào 10 khu vực tập trung nhân lực và trang thiết bị của Nga.
"Một căn cứ của Nga gần làng Khreshchenivka đã bị phá hủy. Trước đó, các máy bay của chúng tôi đã thực hiện 6 cuộc không kích vào các kho đạn và hệ thống phòng không của Nga. Trong khi đó, lực lượng pháo binh đã khai hỏa 220 lần, nhắm vào 4 khu vực tập trung nhân lực và thiết bị ở làng Charivne, thị trấn Oleshky và thành phố Kherson, hai trạm tác chiến điện tử ở quận Beryslav và một cây cầu tại Nova Kakhovka", Bộ chỉ huy chiến dịch miền Nam Ukraine thông tin.
Cũng theo thông báo này, Nga tổn thất 18 quân nhân, 2 xe tăng, 6 xe bọc thép và 3 UAV trinh sát.
Nga nghi ngờ Mỹ đứng sau vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt
Theo Reuters, trong ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Nga đã đặt nghi vấn về việc Mỹ đứng sau những vụ rò rỉ tại hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc.
"Tất cả sự cố rò rỉ đều xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển. Đó là những quốc gia rất thân thuộc với NATO và nằm trong tầm giám sát của Washington. Các cơ quan tình báo Mỹ là người làm chủ khu vực này", bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.
Hiện tại, Mỹ, Đan Mạch và Thụy Điển chưa đưa ra bình luận về phát biểu trên.
Việt Dũng