Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sáng 12/5 đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt cho biết, hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 53 năm Ngày ra đời tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" của Bác... Các tham luận tại hội thảo sẽ làm rõ hơn về cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và làm sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Đây là bài viết sau cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đã khẳng định, nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, để nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên cần suốt đời rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, giữ vững uy tín, thanh danh của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhân dân và dân tộc giao phó.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền, thực hiện sứ mệnh giai cấp và dân tộc.
Vai trò, sứ mệnh đó được xác lập, duy trì, phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, tổ chức chặt chẽ, trong đó, nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng được Người hết sức coi trọng. Hiếm có lãnh tụ cộng sản nào trên thế giới viết nhiều, nói nhiều và định hình được hệ quan điểm, nguyên tắc, nội dung, phương pháp xây dựng Đảng về đạo đức như Hồ Chí Minh.
Gợi mở một số vấn đề Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nhận thức rõ vị trí, vai trò đạo đức là “gốc”, là “căn bản”, bảo đảm cho Đảng ta đủ bản lĩnh vững vàng, chính trị sáng suốt, tư tưởng kiên định, phẩm hạnh trong sáng, tổ chức chặt chẽ, tạo động lực thúc đẩy hành động cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đạo đức cách mạng là “gốc”, như “cây không có gốc thì cây héo”; là “nguồn” như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn”, là “căn bản”, người không có đạo đức là “không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”.
Người nhấn mạnh giáo dục nghĩa vụ đạo đức có vai trò quan trọng hàng đầu trong đánh thức lương tri, phẩm giá làm người. Người đã so sánh, con người có “bốn đức” (Cần, Kiệm, Liêm, Chính) như trời có “bốn mùa” như đất có “bốn phương”, tồn tại, vận động như quy luật của trời đất.
Hình mẫu người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh xây dựng là con người có trách nhiệm xã hội, bổn phận làm người và qua đó bộc lộ đầy đủ thế giới con người - vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, “một thứ vi trùng rất độc"
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên đối lập với chủ nghĩa cá nhân, thể hiện ở các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tư tưởng tập thể; tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
"Mấu chốt của xây dựng đảng về đạo đức là ở thực hành đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, “thi hành một nền chính trị liêm khiết”, Thường trực Ban Bí thư nhận định.
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân dựa trên cơ sở kết hợp “xây” với “chống”, nghiêm khắc với chính mình, tự chủ bản thân trước mọi cám dỗ, thực hiện tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời.
Nhận thức chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, là trở lực cho xây dựng đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập hệ quan điểm, chỉ rõ bản chất, đặc điểm, biểu hiện, tính nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân và định hình phương thức quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Thường trực Ban Bí thư dẫn lại các câu nói của Bác về chủ nghĩa cá nhân đó là không “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”; chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”... Vì vậy, phải luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt.
Bác đã chỉ rõ các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như: ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ; mất đoàn kết, thiếu tính kỷ luật....
Ông nói: "Chúng ta thấy thật là đáng buồn, trong thời gian vừa qua rất nhiều cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật với những biểu hiện mà Bác đã chỉ ra".
Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng” nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ. Cám dỗ sẽ “làm cho con người ta xuống dốc không phanh”.
Về nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, theo ông Võ Văn Thưởng, phải nhận thức rõ, đấu tranh kiên quyết với sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng. Ngoài ra, còn sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc....
Thường trực Ban Bí thư chỉ ra, phải thấy rõ tác hại khôn lường của chủ nghĩa cá nhân, nhất là đối với các cơ quan Trung ương, nơi giữ vai trò quan trọng trong tham mưu chiến lược, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nếu mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, sẽ tham mưu nên những chính sách công bằng, không thiên vị; nếu bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” thì sẽ đề ra những chính sách méo mó, biến dạng, thậm chí hướng lái, gây nên hậu quả khôn lường cho đất nước.
Phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là bản chất, mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng và nhiệm vụ đảng viên, góp phần nâng cao bản lĩnh, lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tạo ra khả năng đề kháng với mọi nguy cơ, nhất là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong xây dựng Đảng về đạo đức phải thực hiện đồng bộ cả hai nội dung “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, lâu dài, xuyên suốt, “chống” là quan trọng, cấp bách.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên. "Cần nhận thức đầy đủ tự phê bình và phê bình phải như “rửa mặt hàng ngày”, là cách giúp mỗi đảng viên tự kiểm soát bản thân mình bằng trách nhiệm đạo đức.
Mọi hành động, việc làm tốt hoặc chưa tốt của cán bộ, đảng viên trong công tác, sinh hoạt, nếu nhận thức được qua tự phê bình và phê bình có tổ chức, sự góp ý chân thành trên tình đồng chí sẽ có tác dụng như “con đê ngăn lũ”, phòng ngừa sai lầm, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm lớn", Thường trực Ban Bí thư cho hay.
Trần Thường
Đạo đức trong sáng thì không vật chất, tiền bạc nào làm gì nổi
Từ những lãnh đạo bị tố chuyện cưỡng bức nghĩ về đạo đức, lối sống
Ông Lê Thanh Hải: Còn một số cán bộ, đảng viên sa sút về đạo đức
Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức.