Quốc gia Bắc Âu này mới đây công bố nguyện vọng trở thành thành viên của NATO, sau khi Ủy ban Đối ngoại Phần Lan soạn thảo một văn bản phản hồi báo cáo an ninh của chính phủ, trong đó bao gồm lựa chọn gia nhập liên minh. Sau đó, Quốc hội Phần Lan sẽ tổ chức một cuộc thảo luận đặc biệt về việc có phê chuẩn các đề xuất trong báo cáo này hay không.

Tổng thống Sauli Niinisto (phải) và Thủ tướng Sanna Marin của Phần Lan tổ chức cuộc họp báo chung ngày 15/5 để chính thức thông báo việc nước này sẽ xin gia nhập NATO. Ảnh: Reuters

Thụy Điển - nước láng giềng phía Tây của Phần Lan, cũng đang cân nhắc gia nhập liên minh, và việc Phần Lan gia nhập khiến khả năng này càng cao hơn. Hai nước theo đuổi một lộ trình tương tự nhau kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Việc trở thành thành viên NATO sẽ thể hiện một bước ngoặt rõ ràng trong các chính sách của họ đối với điện Kremlin sau nhiều năm thực hiện cách tiếp cận trung lập. Quyết định của hai nước Bắc Âu từ bỏ con đường mà họ duy trì trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Trật tự quốc tế đang xáo trộn

Dư luận Phần Lan hầu hết đều tin tưởng rằng, điều này sẽ nhanh chóng xảy ra, bởi nước họ đã đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn và khả năng cao là sẽ không có bất cứ thành viên NATO nào phản đối. Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây cho biết, ít nhất 60% người Phần Lan đang ủng hộ việc gia nhập NATO (gia tăng đáng kể so với tỷ lệ khoảng 30% trước đây).

Hôm 12/5, trong một tuyên bố long trọng, Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan khẳng định: "Việc gia nhập NATO sẽ giúp củng cố an ninh của Phần Lan. Và, khi là thành viên của NATO, Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng - đây là một trong những điều kiện chính để trở thành thành viên. Chính vì điều này, Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng rằng quyết định cuối cùng sẽ được nhanh chóng thực hiện trong những ngày tới”. 

Tương lai của NATO trong thế kỷ XXI Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sản phẩm của cuộc cạnh tranh sức mạnh trong chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.Xem ngay

Thái độ của NATO

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen hôm 7/5 tuyên bố: ”Về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, tôi nghĩ rằng có cơ hội cho hai quốc gia này tham gia, chính xác là bây giờ vì Putin đang bận tâm đến những nơi khác. Ông ấy không thể can thiệp điều gì trong bối cảnh hiện nay”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO vui mừng khi thấy Phần Lan và Thụy Điển đứng trong hàng ngũ của mình và sẽ tạo cơ hội cho họ nhanh chóng tham gia. Theo Đại diện thường trực Mỹ tại NATO Julianne Smith, NATO sẽ đưa ra quyết định trong “vài tháng và vài tuần tới”. Bà nói thêm rằng, Mỹ hoan nghênh việc các nước này gia nhập liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đây đã nói cả hai quốc gia sẽ được chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, thủ tục kết nạp các thành viên mới cũng có thể phải mất “vài tháng”, bởi phải thông qua 30 Quốc hội (của các nước thành viên) trước khi có thể được phê chuẩn trên toàn NATO.

Tác động xấu đến Nga

Nếu Phần Lan gia nhập NATO, quốc gia dưới 6 triệu dân này sẽ vẽ lại bản đồ an ninh châu Âu theo cách mà chưa từng ai có thể lường trước, và điều này có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với Nga.

Theo NATO, Nga hiện có khoảng 775 dặm biên giới đất liền với 5 nước thành viên của tổ chức. Việc Phần Lan gia nhập NATO đồng nghĩa với việc một quốc gia mà Nga có chung đường biên giới 800 dặm sẽ chính thức trở thành liên minh quân sự với Mỹ. 

Việc kết nạp thêm Phần Lan còn đem lại lợi ích cho NATO. Dù dân số tương đối ít, Phần Lan vẫn là một cường quốc quân sự đáng gờm. Quân đội nước này từ nhiều thập kỷ qua đã sử dụng các trang thiết bị quân sự mua của Mỹ để phù hợp với các đồng minh NATO, và họ có thể dễ dàng tham gia các sứ mệnh của NATO.

Chắc chắn, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là một cú giáng mạnh vào nước Nga. Các quốc gia từng có thái độ trung lập đang cung cấp nhiều khoản tài trợ và vũ khí cho Ukraine, còn Nga thì ngày càng bị các nước phương Tây cô lập và trừng phạt.

Điều này cũng sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của NATO tại Bắc Âu cho đến Bắc Cực, một khu vực có tầm quan trọng địa chính trị ngày càng cao do có nhiều tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược và hàng loạt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ (trong đó có của Nga, Phần Lan và Mỹ).

Tổng thống Putin: Thách thức sống còn của NATOTổng thống Putin: Thách thức sống còn của NATOXem ngay

Phản ứng của Kremlin

Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/5 ra tuyên bố, đây là một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Phần Lan. Họ bình luận rằng, trong nhiều thập kỷ, chính sách phi liên kết quân sự là cơ sở cho sự ổn định ở khu vực Bắc Âu, cung cấp mức độ an ninh đáng tin cậy cho nhà nước Phần Lan và là cơ sở vững chắc để xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác cùng có lợi giữa Nga - Phần Lan.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Mục tiêu của NATO là tiếp tục mở rộng về phía biên giới của Nga, tạo ra một sườn khác cho mối đe dọa quân sự đối với đất nước của chúng tôi. Tuy nhiên, tại sao Phần Lan lại phải biến lãnh thổ của mình thành bình phong quân sự đối đầu với Liên bang Nga, đồng thời để mất quyền độc lập tự quyết định? Lịch sử sẽ phán xét điều này”.

Nga nhiều lần khẳng định việc chống lại sự bành trướng của NATO và họ coi hành động của NATO là một trong những lý do khiến họ động binh ở Ukraine. Ngoài ra, điện Kremlin cũng cho biết nếu Stockholm và Helsinki tham gia liên minh thì họ sẽ phải “tái cân bằng tình hình”.

Không rõ điện Kremlin sẽ phản ứng như thế nào nếu cả hai quốc gia trên xúc tiến việc gia nhập NATO.

Nga đã nhiều lần lưu ý việc NATO có chính sách đối đầu. Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin tuyên bố việc mở rộng hơn nữa liên minh sẽ không mang lại an ninh cho châu Âu.

Cựu chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không thuộc Bộ tư lệnh Lực lượng đặc biệt của Không quân Nga Sergei Khatylev nói: “Nếu Phần Lan gia nhập NATO, NATO sẽ có cơ hội đặt tên lửa ở đó đe dọa các căn cứ tàu ngầm hạt nhân của chúng ta. Điều này có nghĩa là chỉ trong vài phút, một đòn tấn công có thể giáng xuống Arkhangelsk, Severomorsk và Murmansk. Trong trường hợp này, có thể nói rằng các quốc gia Baltic, cũng như biển Baltic, sẽ không còn là một khu vực phi hạt nhân. Nga đã nhiều lần chính thức cảnh báo chính quyền Thụy Điển, Phần Lan và toàn khối NATO về việc này.”

Những quan điểm trái ngược

Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ có lợi cho quốc gia này hay không vẫn đang là vấn đề có những ý kiến trái chiều.

Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan, cho biết: “An ninh Phần Lan luôn dựa trên 2 khái niệm: địa lý và lịch sử trước tiên; chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa duy thực đứng thứ hai. Trong một thế giới lý tưởng, chúng tôi muốn hợp tác với Nga - quốc gia mà chúng tôi không thể chối bỏ là láng giềng ngay sát cạnh mình.

Nhưng chúng tôi cũng rút ra được từ lịch sử rằng mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với an ninh quốc gia chính là nước Nga. Theo thời gian, thực tế về việc Nga sẵn sàng gây ra những bất ổn lớn hơn trong khu vực đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, vì vậy việc gia nhập NATO cũng trở thành một lựa chọn mang tính thực dụng”.

Trong khi đó, Håkon Lunde Saxi, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Na Uy, cho rằng bất cứ động thái nào hướng đến việc Phần Lan gia nhập NATO đều “có khả năng kích động một sự triển khai quân sự của Nga ở đường biên giới mới của NATO với Nga, điều không hề có lợi cho an ninh của Phần Lan hay châu Âu”.

Việt Hoàng