- Phim 'Nobi' của đạo diễn Shinya Tsukamoto làm khán giả của LHP Venice lần thứ 71 sốc nặng với cảnh những người lính đi săn người để ăn thịt, chống lại cơn đói trong chiến tranh.

Với hình ảnh đẫm máu chuyển tải thông điệp chống chiến tranh, Nobi (tạm dịch: Lửa trên đồng) được đánh giá là một trong những bộ phim cuốn hút nhất mà cũng bạo lực nhất tại liên hoan năm nay.

Bộ phim là phiên bản làm lại của một tác phẩm kinh điển năm 1959, kể chuyện những đoàn quân Nhật Bản bị đánh bại ở chiến trường Philippines trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Cả hai phim cùng dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, in năm 1951, của nhà văn Ooka Shohei.

{keywords}
Phim Nobi phiên bản năm 2014 tranh giải Sư tử vàng.

Tuy nhiên, Nobi 2014 rất khác với bộ phim đen trắng ngày xưa ở cách đẩy bạo lực chiến tranh lên đến mức cực đoan. Nhiều người đã choáng váng với hình ảnh giòi bọ trên xác người, những cơ thể bị đứt lìa vương vãi khắp nơi, những người lính điên loạn trên lằn ranh sinh tử.

Câu chuyện phim quá khủng khiếp. Đạo diễn Tsukamoto vào vai một anh lính mắc bệnh lao, bị đơn vị đuổi đến một bệnh viện dã chiến, thuần túy là một túp lều trong rừng. Giữa những thương vong la liệt, bác sĩ lại đuổi anh về đơn vị.

Mệt nhoài vì đi lại như con thoi giữa hai nơi, anh tình cờ gặp hai đồng đội và đưa súng cho họ khi nghe nói họ phát hiện một con khỉ và có thể nướng khô thịt của nó để ăn. Dưới cánh rừng già che giấu sự tàn bạo, anh phát hiện họ đang săn những người lính khác để ăn thịt.

Đạo diễn Tsukamoto cho biết ông dự định phát hành bộ phim này vào năm sau, nhân kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến thứ hai. Không rõ ông sẽ đưa bộ phim đến với công chúng nước Nhật như thế nào, bởi có ý kiến lo ngại thông điệp mà bộ phim chuyển tải không phải là điều mà người Nhật muốn xem.

{keywords}
Nobi được dự định phát hành vào năm sau để kỷ niệm 70 năm Chiến tranh thế giới thứ hai.

Lý giải cho cách đẩy nghệ thuật của bộ phim đi tới cực đoan, đạo diễn nói trong buổi họp báo ra mắt phim: “Lịch sử không phải lúc nào cũng là một diễn trình đi về phía trước, nó cũng đồng thời có thể đưa nền văn minh đi vào suy thoái. Rất nhiều người đã chết vì tương lai phía trước, nhưng đôi khi người ta cũng dừng lại để trở về quá khứ”.

Theo ông, phá hủy sự tiến bộ là một hành vi vô đạo đức. Chiến tranh cần phải được tái hiện trên phim như đúng sự thật về nó, nhất là khi lớp người đã từng trải qua chiến tranh đang ngày một vắng bóng dần. Trong khi trải nghiệm của họ cần được kể lại như một lời cảnh báo nguy cơ chiến tranh vẫn còn hiển hiện đối với nhân loại.

Một phim khác gây sốc không kém và cũng liên quan tới hành vi bất thường của con người liên quan tới cơn đói, đó là Hungry Hearts (Trái tim đói khát). Bộ phim của đạo diễn Ý Saverio Costanzo phủ không khí u ám lên vẻ lãng mạn của LHP Venice bằng một cơn rối loạn tinh thần đầy đau đớn.

Phim kể chuyện một người mẹ ở New York bỏ đói con mình vì nghĩ rằng đứa bé giống một vị thánh không nên đưa vào thức ăn chứa tạp chất. Nghe lời một bà đồng nói rằng con mình có thể là hóa thân của một linh hồn từ thế giới khác, cô quyết định nuôi mình và đứa bé bằng những gì cô trồng trong khu vườn trên tầng mái.

{keywords}
Cảnh trong phim Hungry Hearts.

Câu chuyện gần như một vở kịch bi hài. Trong khi người chồng tìm mọi cách đưa đứa bé đến bác sĩ chữa bệnh suy dinh dưỡng và tìm mọi cách cho nó ăn thịt thì người vợ lại âm thầm cho nó uống thuốc nhuận tràng để chắc rằng mọi thứ đã được tống khứ khỏi ruột của đứa bé.

Khác với Nobi, Hungry Hearts gây nhiều tranh cãi về tính hiện thực sau khi một số ý kiến cho rằng chuyện quá phi lý nhưng đạo diễn Costanzo cho biết ông viết kịch bản dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Marco Franzoso.

Theo ông, câu chuyện này cho thấy trong cuộc sống hiện đại, nhiều lối sống mới đi kèm với chế độ ăn kiêng và đức tin của nó khiến cho rất khó rạch ròi điều gì là đúng hay không đúng. “Ranh giới giữa sức khỏe và sự điên rồ là rất khó thấy trong những trường hợp thế này”, ông nói.

Khải Trí