Sau 4 tháng thực hiện các cuộc không kích ở Syria, Điện Kremlin tự tin khẳng định chiến dịch quân sự lớn nhất của Nga ở ngoại quốc kể từ khi Liên Xô tan rã là "đáng đồng tiền bát gạo".


Theo báo Mỹ Washington Post, với mục tiêu được khẳng định là chống khủng bố quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm đảo chiều "số phận" của các lực lượng trung thành với chính quyền ông Bashar al-Assad.
{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin.  (Ảnh: AP)

Trước đó, các lực lượng của Chính phủ Syria đã để mất nhiều vùng lãnh thổ trọng yếu về tay quân nổi dậy trong cuộc nội chiến kéo dài đã 5 năm. Nhưng giờ đây, họ đang ở thế tấn công. Thậm chí, tuần trước họ còn giành được thắng lợi lớn khi chiếm lại thị trấn chiến lược Sheikh Miskeen từ tay phe nổi dậy mà Mỹ ủng hộ.

Theo giới phân tích, Chính phủ Nga tin tưởng họ đã giành được nhiều thành tích trong chiến dịch Syria với chi phí cực thấp, thương vong tối thiểu cùng với sự ủng hộ lớn của người dân.

"Chiến dịch được xem là khá thành công", Washington Post dẫn lời ông Evgeny Buzhinsky, một Trung tướng về hưu và hiện là Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Moscow. Ông cho rằng, chính quyền Putin có thể sẽ tiếp tục chiến dịch này trong một năm nữa, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, tất cả "phụ thuộc vào thành công trên mặt đất".

Những lợi ích mà Nga đạt được có tiếp tục hay không thì phải chờ mới biết được. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Moscow đang sa chân vào một "bãi lầy". Hiện chưa rõ khi nào Nga có thể tuyên bố chiến thắng và cũng không rõ nước này có một chiến lược rút lui hay không.

Tuy nhiên, vì các lực lượng của ông Assad đang giành lợi thế trở lại, và khi các cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria ở Geneva biến thành nơi đổ lỗi lẫn nhau, thì có rất ít áp lực khiến Kremlin phải rút lui.

"Putin đủ sức chơi ván cờ địa chính trị ở Trung Đông, bởi nó không tốn kém quá nhiều", Konstantin von Eggert, một chuyên gia phân tích chính trị độc lập ở Moscow, bình luận. Theo ông Eggert, can thiệp quân sự vào Syria đã cho phép Putin chống lại những gì ông coi là ý đồ của Mỹ định thay đổi chế độ ở Damascus, giúp ông thể hiện sức mạnh quân sự Nga, đồng thời trấn an được các đồng minh trong khu vực rằng Nga là một đối tác trung thành.

Đến nay chỉ có một số thiệt hại cụ thể mà chiến dịch ở Syria gây cho Moscow, trong đó có vụ đánh bom máy bay chở du khách Nga từ Ai Cập về nước làm 224 người tử vong. Chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên bán đảo Sinai đã nhận trách nhiệm.

Ngoài ra, một chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở vùng biên Syria hồi tháng 11 năm ngoái khiến một phi công thiệt mạng. Một binh sĩ Nga bị giết trong chiến dịch giải cứu, có thể là bởi đạn của quân nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn.

Và hôm 3/2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một cố vấn quân sự Nga đã chết trong một vụ tấn công đạn cối trước đó trong tuần. Moscow quy kết IS là thủ phạm.

"Đây là một cuộc chiến có giới hạn, không thực sự có ảnh hưởng ở Nga. Còn không có cả những chiếc quan tài", Maxim Shevchenko, một nhà báo Nga ủng hộ Moscow can thiệp quân sự vào Syria và đã từng tới nước này những ngày đầu tháng 1, nhận định.

Các quan chức Nga, trong đó có Tổng thống Putin cùng Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cũng đập tan những cáo buộc từ nhiều phía rằng chiến đấu cơ Nga tập trung hỏa lực vào quân nổi dậy ôn hòa chống chính phủ Syria thay vì nhắm tới IS.

Sự can thiệp của Nga còn làm đảo ngược kế hoạch của chính quyền Obama về một kịch bản dàn xếp thông qua đàm phán giữa các bên ở Syria, trong đó có điều kiện Tổng thống Assad phải từ chức. Phe đối lập không muốn tham gia các cuộc thương lượng trong tuần ở Geneva, một phần bởi Mỹ đã "nhượng bộ" yêu sách này.

Ở nhiều phương diện, việc Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria quan trọng không kém gì một công cụ ngoại giao trên chiến trường. Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về sức mạnh hiện nay của quân đội Syria cùng khả năng giành lại thêm lãnh thổ của họ, nhưng rõ ràng sự can thiệp của Moscow có một ảnh hưởng rất lớn đối với các cuộc đàm phán về tương lai Syria.

Thanh Hảo

Vì sao Putin điều chiến đấu cơ tử thần tới Syria?

Nga vừa bổ sung một hệ thống chiến đấu "tử thần" vào tập hợp vũ khí vốn đã rất ấn tượng của nước này ở Syria.

Thế giới 24h: Putin lên chức ông ngoại?

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã lên chức ông ngoại; Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa...là những tin nổi bật trong 24h qua.

E ngại Putin, Obama quyết định 'gia cố' Đông Âu

Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch tăng cường triển khai vũ khí hạng nặng, xe bọc thép và các thiết bị khác tới các nước NATO ở Trung và Đông Âu.